Đắk Nông làm gì để có 55% dân số mua sắm trực tuyến?
Đắk Nông đặt nhiều mục tiêu trong phát triển thương mại điện tử (TMĐT), trong đó đến năm 2025 tỉnh phấn đấu có 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến. Thế nhưng, trước mắt còn những "điểm nghẽn" làm ảnh hưởng đến các mục tiêu này.
Cần thay đổi nhiều hơn từ người bán
Vài năm trở lại đây, kinh doanh trực tuyến không còn xa lạ với nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại Đắk Nông. Sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ như: máy tính, điện thoại thông minh đã thúc đẩy TMĐT phát triển.
Thói quen làm việc, mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Nông vì thế cũng thay đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển sản phẩm, hàng hoá trên nền tảng TMĐT.
Chi nhánh Viettel Đắk Nông là một trong những đơn vị tiên phong trong gắn hoạt động kinh doanh với phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Viettel Đắk Nông, khó khăn nhất của đơn vị hiện nay là các kênh bán hàng truyền thống bị hạn chế.
Do đó, việc tiếp xúc, tìm kiếm khách hàng bị giảm sút, ảnh hưởng đến chất lượng thuê bao và doanh thu. Trước thực tế này, đơn vị chuyển từ bán hàng truyền thống sang hình thức bán hàng dịch vụ số online.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hoà Phát (Gia Nghĩa) cũng đã chuyển hình thức giới thiệu sản phẩm, hàng hóa theo kênh trực tuyến.
Chị Lê Thị Mỹ Lan, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Chúng tôi kinh doanh hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm… Để khách hàng biết đến rộng rãi, chúng tôi phải quảng bá trên nhiều hình thức như: zalo, Fanpage, trang thông tin điện tử, Tiktok…”.
Theo chị Lan, hình thức này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Sự chủ động trong tiếp cận dịch vụ, hàng hóa được nâng lên tầm cao hơn. Doanh thu và lượng khách hàng tăng cao.
Theo Sở Công thương, đến hết tháng 6/2023, doanh số TMĐT giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng chiếm trên 3,5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh có 37% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật định kỳ thông tin hoạt động, quảng bá sản phẩm của của mình một cách thường xuyên.
Xử lý “điểm nghẽn” công nghệ
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, hàm lượng công nghệ của doanh nghiệp chủ yếu dừng ở khối văn phòng như email, trao đổi văn bản...
Trong khi, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, điều hành sản xuất chưa cao. Đây là nguyên nhân lớn cản trở TMĐT phát triển ở Đắk Nông.
Đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng, họ vẫn chưa mặn mà với loại hình kinh doanh qua TMĐT. Nhất là khi đưa hàng hóa lên các trang điện tử vừa mất phí, vừa xảy ra rủi ro trong giao dịch.
Theo Sở Công thương, để tạo bước chuyển trong TMĐT, cần đẩy mạnh thông tin, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp với các trang TMĐT.
Việc xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động TMĐT phù hợp sẽ được cần tăng cường. Sở Công thương sẽ hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử…
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông đề ra các mục tiêu cụ thể: doanh số TMĐT tăng 25%/năm; chiếm trên 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Có 50% giao dịch mua hàng trên Website/ứng dụng TMĐT có hoá đơn điện tử. Toàn tỉnh có 80% Website TMĐT tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.