Hàn Quốc: Đảng Dân chủ đối lập phản đối kế hoạch xả thải của Nhật Bản
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:53, 11/07/2023
Bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Ngày 11/7, đảng Dân chủ đối lập chính ở Hàn Quốc đã kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra yêu cầu với Tokyo về việc từ bỏ kế hoạch xả thải Fukushima khi ông gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong tuần này.
Tổng thống Yoon dự kiến có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Kishida bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Litva.
Cuộc gặp diễn ra vài ngày sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ra báo cáo cho biết kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản ra biển đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Phát biểu trong một cuộc họp, lãnh đảo đảng Dân chủ Park Kwang-on nói: "Trước hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Nhật Bản, tôi đề xuất ba biện pháp. Đầu tiên là Tổng thống (Yoon Suk Yeol) yêu cầu Nhật Bản ngừng xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima ra biển. Văn phòng tổng thống đã tuyên bố đặt ưu tiên cao nhất cho sức khỏe và sự an toàn của người dân. Nếu vậy, câu trả lời là ngăn xả việc xả thải ra biển."
Ngoài ra, ông Park kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc nộp đơn kiện Nhật Bản tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển và nêu vấn đề này tại Cuộc tham vấn các Bên ký kết Công ước và Nghị định thư London sắp tới.
Ngày 9/7, các quan chức cấp cao của đảng Dân chủ (DP) đối lập chính đã gặp người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để bày tỏ quan ngại và lấy làm tiếc về kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã gặp các quan chức DP trong chuyến thăm 3 ngày tới Seoul để giải thích về báo cáo của cơ quan này, trong đó kết luận rằng kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tại cuộc gặp, đại diện của DP tại Quốc hội, ông Woo Won-shik, bày tỏ lấy làm tiếc về việc IAEA ủng hộ kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản bất chấp những lo ngại của người dân về ảnh hưởng lâu dài tiềm ẩn từ nước thải đã qua xử lý đối với con người và môi trường.
Trước đó, trong một phiên họp Quốc hội, ông Woo - người phát động phong trào biểu tình tuyệt thực đã bước sang ngày thứ 14 - cho biết: “Kết quả xác minh (của IAEA) đã thiên vị Nhật Bản ngay từ đầu, mất đi tính trung lập và khách quan. Thật đáng tiếc là IAEA đã đưa ra kết luận mà không điều tra kỹ tác động (của việc xả thải) đối với các quốc gia láng giềng.
Wi Seong-gon, nhà lập pháp của DP, đồng thời là người đứng đầu một ủy ban đặc biệt về vấn đề này tại Quốc hội Hàn Quốc, đã kêu gọi IAEA xem xét lại kế hoạch xả thải. Theo đó, Nhật Bản được cho là nên hoãn kế hoạch trên và xem xét các giải pháp thay thế khác cùng với cộng đồng quốc tế.
Đáp lại, ông Grossi cho biết IAEA hoàn toàn hiểu những lo ngại của dân chúng Hàn Quốc và ông đã đến thăm Seoul để giải quyết mối quan ngại này./.