Khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:00, 27/03/2023
Bộ đội đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, Khánh Hòa tuần tra bảo vệ đảo. (Ảnh THANH GIANG) |
Xin giới thiệu bài viết phân tích của ông Hoàng Việt, giảng viên Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh về chủ đề này.
Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi Biển Ðông là Hoàng Sa và Trường Sa. Ðây là hai quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc; là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Từ những tư liệu lịch sử trong nước và ở nước ngoài, chúng ta khẳng định rằng: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều tư liệu lịch sử quý giá
Từ nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã tổ chức “đội Hoàng Sa” (lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi) ra quần đảo Hoàng Sa (với khoảng thời gian từ sáu đến tám tháng mỗi năm) để thu lượm hàng hóa trôi dạt trên biển, đánh bắt hải sản quý hiếm; đồng thời, đo vẽ sơ đồ, hải trình, trồng cây và dựng mốc trên quần đảo.
Cũng với nhiệm vụ này, cho đến thế kỷ 19, nhà Nguyễn đã tổ chức thêm “đội Bắc Hải” (lấy người thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận) để tiến ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thực hiện các hành động chủ quyền tại đây. Theo hiểu biết địa lý lúc bấy giờ, địa danh quần đảo Hoàng Sa liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Ðiều đó chứng tỏ ngay từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là lãnh thổ vô chủ và có thể nói là quốc gia duy nhất thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục và không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào.
Thực tế này được chứng minh trong nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của Nhà nước, bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu giữ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Ðỗ Bá, tự Công Ðạo sưu tập, biên soạn và hoàn thành năm 1686; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn (1776); Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Ðại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Ðại Nam thực lục chính biên (1844-1848), Việt sử cương giám khảo lược (1876), Ðại Nam nhất thống chí (1882); Dư địa chí Khâm định Ðại Nam Hội điển sự lệ (1910); Hải ngoại kỷ sự (năm 1696) của nhà sư Trung Quốc Thích Ðại Sán; Quốc triều chính biên toát yếu (1910), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd (1838), Ðại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ chính thức của triều Minh Mạng) (1838)...
Ðặc biệt, bộ Atlas thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, tại Bỉ, trong đó, vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.
Ngoài ra, các Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) có dấu son của vua, là bằng chứng quan trọng khẳng định việc Nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo như hằng năm cử các đội Bắc Hải kiêm quản đội Hoàng Sa ra hai quần đảo khai thác các tài nguyên sản vật trên biển và thu lượm hàng hóa trên các tàu bị đắm; đo đạc vẽ bản đồ; dựng bia, lập miếu, trồng cây, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn... Ðây là các tài liệu quý giá của triều đình nhà Nguyễn để lại cho thế hệ sau, khối tài liệu Châu bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu cấp quốc tế.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre (năm 1884), Chính quyền thuộc địa Pháp đã có nhiều hoạt động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 1925 đến năm 1927, Pháp đã tổ chức điều tra về khí hậu, thổ nhưỡng, nghiên cứu mỏ và duy trì tuần tra trên quần đảo Hoàng Sa.
Liên tục trong các năm 1930-1933, Pháp đã đưa quân đội ra đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Ðể tiện quản lý, năm 1933, Pháp đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ); thành lập đơn vị hành chính ở Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên (năm 1938). Cũng trong thời gian này, Pháp còn cho đặt cột mốc, xây ngọn hải đăng và các trạm: khí tượng, vô tuyến điện trên hai quần đảo.
Trong quan hệ quốc tế, Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/10/1950, Pháp đã chính thức trao việc quản lý quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Ðại.
Ðặc biệt, tại Hội nghị San Francisco (năm 1951), trước đại diện của 51 quốc gia (trong đó có Trung Quốc), đại diện của chính phủ Bảo Ðại với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, phái đoàn quốc gia Việt Nam do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu làm trưởng đoàn đã tham gia hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Trần Văn Hữu một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và không gặp phải sự bảo lưu hay phản đối nào của đại diện các nước tham dự hội nghị, đã khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào của các nước tham dự hội nghị.
Năm 1975, cùng với tiến trình giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng các đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ, như: đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang,… thuộc quần đảo Trường Sa. Ðồng thời, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Liên tục từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Ðà Nẵng; huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa với một thị trấn và hai xã đảo.
Những quan điểm sai trái
Theo công pháp quốc tế, có bốn cách để thiết lập chủ quyền trên một lãnh thổ, bao gồm: (1) chuyển nhượng, (2) sự hình thành lãnh thổ mới, (3) chiếm hữu một lãnh thổ vô chủ, và (4) chiếm hữu theo thời hiệu.
Kể từ sau năm 1945, với sự ra đời của Liên hợp quốc và nhiều văn bản pháp luật quốc tế quan trọng, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và các văn bản khác liên quan thì nguyên tắc cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế đã được thiết lập, theo đó các hành vi xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực bị nghiêm cấm.
Ðặc biệt, Nghị quyết 2625 của Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã khẳng định: “Mọi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm vi phạm sự tồn tại của các đường biên giới của các quốc gia khác, hoặc sử dụng như là các biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia… Tất cả các quốc gia sẽ giải quyết các tranh chấp quốc tế với những quốc gia khác bằng các biện pháp hòa bình mà không làm phương hại đến hòa bình, an ninh và công lý quốc tế”.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng lãnh thổ của nước khác không bao giờ mang lại danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho quốc gia sử dụng vũ lực. Năm 1974 và năm 1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã vi phạm vào nguyên tắc này, và do đó, không bao giờ là căn cứ hợp pháp cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Chung quanh vấn đề Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo của Việt Nam, thời gian qua trên internet có ý kiến cho rằng: “Theo luật quốc tế, nếu có tranh chấp lãnh thổ mà giữa các kháng nghị có một khoảng gián đoạn 50 năm hoặc nhiều hơn thì những đòi hỏi lãnh thổ trở nên vô hiệu. Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm gần 50 năm rồi. Từ đó đến nay Việt Nam chưa gửi bất kỳ kháng nghị, đơn kiện nào lên tòa án công lý quốc tế hoặc tòa án quốc tế. Nếu Việt Nam không có bất kỳ kháng nghị hay đơn kiện nào thì theo luật quốc tế coi như Việt Nam chấp nhận mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vĩnh viễn về tay Trung Quốc…”.
Ðiều này hoàn toàn sai lầm và không có căn cứ trong luật quốc tế. Trong các văn bản quốc tế quan trọng đều không quy định vấn đề này. Trong các tập quán quốc tế về thụ đắc lãnh thổ của một quốc gia cũng không thể hiện điều này. Trong các án lệ quốc tế về tranh chấp lãnh thổ cũng không có một dòng nào nhắc tới quy định như vậy. Vì thế, đây chỉ là một sự suy diễn không có căn cứ.
Trong luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ chỉ thể hiện nếu một quốc gia chính thức từ bỏ, hoặc im lặng không lên tiếng phản đối chính thức trước một hành động xâm chiếm trái phép lãnh thổ đó thì mới bị coi là đánh mất chủ quyền trên lãnh thổ đó.
Ngay khi Hoàng Sa bị xâm chiếm, phía Việt Nam Cộng hòa (là bên đang quản lý thực tế Hoàng Sa và Trường Sa) đã lên tiếng phản đối hành động vi phạm này của Trung Quốc.
Năm 1988, khi Gạc Ma bị xâm chiếm bằng vũ lực, chính quyền Việt Nam đã liên tục ra các văn bản phản đối hành vi bất hợp pháp này. Chúng ta đã ban hành rất nhiều công hàm tại Liên hợp quốc cũng như các tuyên bố liên tục hằng năm để tiếp tục phản đối hành vi xâm phạm trái phép này.
Như vậy, chúng ta đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động duy trì chủ quyền của mình với Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu, dù một phần máu thịt ấy đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Các hoạt động khẳng định và thực thi chủ quyền ấy bao gồm đủ cả yếu tố vật chất, lẫn tinh thần, là hai yếu tố cần và đủ trong Công pháp quốc tế.
Và vì thế, không có chuyện là chủ quyền của chúng ta sẽ bị mất, mà ngược lại, hành động xâm chiếm bất hợp pháp bằng vũ lực thì sẽ mãi mãi không được công nhận chủ quyền cho dù bên xâm chiếm đang kiểm soát phần lãnh thổ đó.
Ðối với việc kiện đòi lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế, để giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, tòa án quốc tế bao gồm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) chỉ có thẩm quyền xét xử nếu tất cả các bên đồng thuận trong việc đưa tranh chấp ra tòa án để giải quyết, mà Trung Quốc thì luôn luôn từ chối việc đưa ra tòa án xét xử. Chính vì vậy, việc khởi kiện về chủ quyền chưa thể thực hiện được.
Từ những phân tích trên cho thấy, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời, Việt Nam là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu thật sự và quản lý hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình, phù hợp các quy định của luật pháp quốc tế.