Vì sao giá cà phê nhân tăng cao, giá cà phê bột ở Đắk Nông vẫn giữ nguyên?
Trong bối cảnh giá cà phê nhân xô tăng cao đột biến, các doanh nghiệp ở Đắk Nông đã chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Nhờ đó, giá cà phê bột trên thị trường Đắk Nông hầu như không có biến động.
Ngay từ đầu vụ, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và kịp thời dự trữ nguồn nguyên liệu cho mùa sản xuất mới.
Ông Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông (Đắk Song) cho biết, giá cà phê nhân xô hiện đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Thế nhưng, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại HTX hầu như không bị ảnh hưởng.
Hiện tại, HTX chỉ tăng nhẹ giá cà phê thành phẩm với khoảng gần 10% so với trước để khách hàng tiếp tục có điều kiện sử dụng cà phê có chất lượng.
Ngay từ đầu năm, HTX đã ký hợp đồng thu mua với sản lượng gần 40 tấn nguyên liệu cà phê từ bà con. Do vậy, chỉ khi giá thị trường biến động quá sâu thì HTX mới tính toán thay đổi bảng giá cung ứng dành cho đối tác.
Hơn nữa, HTX hiện đang liên kết trồng gần 100 ha cà phê theo hướng hữu cơ nên vùng nguyên liệu luôn có sẵn. Nguồn cung cho xưởng sản xuất hầu như không bị thiếu hụt.
Tương tự, với Công ty TNHH Sản xuất và chế biến cà phê Ngôi sao (Đắk Song) cũng vậy. Hiện tại, mặt bằng giá cà phê thành phẩm của đơn vị hầu như ít thay đổi.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Đại diện Công ty cho biết, giá cà phê xô trên thị trường tăng cao đã tác động lớn tới ngành hàng cà phê nói chung.
Tuy nhiên, nếu Công ty cũng tăng giá đối với khách hàng sỉ và lẻ theo thị trường thì data sẽ bị thu nhỏ lại. Vì vậy, Công ty phải chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận trên đầu tấn sản phẩm để giữ khách hàng.
Mặt khác, về nguyên liệu dự trữ, Công ty cũng có sự tính toán. Mỗi tháng, Công ty cung ứng ra thị trường gần 4 tấn cà phê thành phẩm.
Hiện tại, lượng cà phê tiêu thụ của Công ty đã vượt quá số lượng tính trước. Do đó, Công ty chắc chắn phải bổ sung thêm lượng hàng vào để bảo đảm sản xuất.
“Giải pháp hiện tại của Công ty là duy trì giá cố định cho khách hàng sỉ và lẻ trước đó. Với những khách hàng sỉ mới, doanh nghiệp sẽ tăng 8%/tấn”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Được biết, bình quân một quý, doanh nghiệp tiêu thụ từ 34-36 tấn nguyên liệu. Lượng nguyên liệu dự trữ trong kho còn khoảng tầm 20 tấn.
Đến tháng 9-10 tới, đơn vị sẽ hết nguồn dự trữ. Thời điểm đó, doanh nghiệp buộc phải liên kết với các đơn vị lân cận để bù nguồn hàng vào.
Từ giữa tháng 5 đến nay, giá cà phê tăng cao kỷ lục. Theo đó, giá cà phê trong ngày 7/7/2023 tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên dao động quanh mức 65.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng được thu mua với giá từ 64.400 – 64.500 đồng/kg; Gia Lai, Kon Tum ở mức giá 64.700 đồng/kg; Đắk Lắk ở mức 64.800 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao nhất là 65.100 đồng/kg.
Mức giá này được xem là cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh giá từ đầu niên vụ 2022-2023, giá cà phê nhân xô trong nước có mức tăng đến 40%.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 vừa qua đạt 150.000 tấn, với trị giá 392 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 24,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, nâng tổng lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 ước đạt hơn 1 triệu tấn, với trị giá 2,40 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 3% về trị giá.