Kinh tế

Hơn 37% kinh tế Đắk Nông là nông nghiệp 

Kim Ngân 10/07/2023 05:47

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, kinh tế nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã có những chuyển biến tích cực. Ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

img_4044-1-.jpg
Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ đang được các doanh nghiệp, HTX thực hiện hiệu quả

Nghị quyết 05/NQ-HĐND, ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Theo lãnh đạo Sở NN – PTNT, những năm qua, tỉnh Đắk Nông đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành được một số ngành hàng chủ lực, tiềm năng.

Cụ thể, tỉnh đã xác định được 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm: cà phê, hồ tiêu, điều và cao su. Bên cạnh 2 sản phẩm tiềm năng là cây dược liệu, cây mắc ca, tỉnh còn có 13 sản phẩm chủ lực địa phương.

Tại huyện Krông Nô đã xúc tiến xây dựng Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao (CNC) xã Nâm Nung. Hiện nay, huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận.

Đến năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp Đắk Nông tăng bình quân 6,84%/năm, đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt đạt 6,78%/năm, dịch vụ nông nghiệp 6,16%/năm, lâm nghiệp 5,1%/năm… là những lĩnh vực đạt và vượt mục tiêu của Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh.

Đến nay, tại vùng sản xuất đã có hơn 150 nông hộ tham gia liên kết với HTX Phát triển nông nghiệp Công bằng Thanh Thái, với diện tích 340 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn RA, 4C, UTZ….

Trong vùng có 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao là "Cà phê phin giấy", "Cà phê rang xay" của HTX Thanh Thái. HTX cũng đã đầu tư công nghệ chế biến cà phê ướt, cà phê honey, bắn màu tách hạt cà phê… 

Ngoài ra, các nông hộ còn áp dụng đồng bộ biện pháp về cơ giới hóa trong tưới nước, phát cỏ, xay xát, sấy, chà nhân cà phê... Có đến 90% phế phẩm nông nghiệp được người dân tái sử dụng phục vụ chăm sóc cà phê; 100% hộ sử dụng các chế phẩm sinh học, phân vi sinh trong sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cà phê…

Cũng như cây cà phê, nhiều loại cây trồng tiềm năng, giá trị kinh tế đã được người dân Đắk Nông đầu tư phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, phát huy lợi thế của địa phương.

Kết quả này bước đầu tạo được sự chuyển biến về nhận thức, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững.

UBND tỉnh Đắk Nông đã cụ thể thành 45 nhiệm vụ giao cho các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

z4266a6-1-(1).jpg
Sản xuất chanh dây theo hướng hữu cơ, giúp ông Nguyễn Ngọc Hiếu ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) thu lợi nhuận cao

Qua số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, quy mô tổng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Đắk Nông (GRDP) năm 2022 tăng 1.601 tỷ đồng so với 2018, chiếm 37,64% trong nền kinh tế của tỉnh.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 85.000 ha ứng dụng về giống mới, tưới nước tiết kiệm, sản xuất chứng nhận, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến…, với tổng sản lượng hàng năm ước đạt trên 404.000 tấn.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT, tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng mạnh qua mỗi năm.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh ngày càng hoàn thiện, nông dân tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản và tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng dần. Thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước; xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng lẫn giá trị

Kim Ngân