Đối thoại ASEAN-EU hợp tác bảo vệ lao động di cư ở Đông Nam Á

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:10, 09/07/2023

Đối thoại ASEAN-EU về di cư lao động an toàn và công bằng là diễn đàn để các quan chức chia sẻ kiến thức và quan điểm về các chiến lược hiệu quả nhằm hỗ trợ phúc lợi cho lao động di cư và gia đình họ.
Doi thoai ASEAN-EU hop tac bao ve lao dong di cu o Dong Nam A hinh anh 1Các đại biểu dự đối thoại. (Nguồn: Ban Thư ký ASEAN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, Đối thoại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Liên minh châu ÂU (EU) lần thứ 2 về di cư lao động an toàn và công bằng, và lễ phát động Chiến dịch Di cư an toàn và công bằng ASEAN đã được tổ chức từ ngày 4-7/7 tại Philippines.

Tham dự sự kiện có hơn 70 nhà hoạch định chính sách, nhà hoạt động và đại diện các tổ chức quốc tế nhằm tìm hiểu cách thức bảo vệ tốt hơn quyền của 7,1 triệu lao động di cư ASEAN trong khu vực và thúc đẩy sự đóng góp có giá trị của họ cho phát triển kinh tế bền vững.

Trong bài phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Lao động nhập cư Philippines Susan V. Ople đã lưu ý vai trò quan trọng của thông tin và giáo dục trong việc trao quyền cho hàng triệu lao động nhập cư trong khu vực.

Thứ trưởng Lao động và Việc làm Philippines Benedicto Ernesto R. Bitonio kiêm Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về lao động (SLOM) nhấn mạnh tầm quan trọng của di cư lao động trong việc mở rộng cơ hội làm việc cho người dân ASEAN và thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia thành viên.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh: “Với việc nối lại các hoạt động di cư lao động sau đại dịch, điều quan trọng là cần tăng cường thông tin và dịch vụ để giúp di cư an toàn và công bằng.”

Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans cho rằng di cư là một phần quan trọng của sự phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và xóa đói giảm nghèo.

Sự gia tăng của di cư lao động kéo theo nhu cầu cấp thiết ưu tiên sự an toàn và công bằng.

Về phần mình, bà Sarah Arriola, Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho biết di cư lao động trong khu vực đang đạt mức trước đại dịch.

Điều này đòi hỏi các hệ thống quản lý di cư lao động của khu vực phải được phát triển hơn nữa để tối đa hóa đóng góp của người di cư vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã-hội nói chung.

Đối thoại ASEAN-EU lần thứ 2 về di cư lao động an toàn và công bằng là diễn đàn để các quan chức ASEAN và EU chia sẻ kiến thức và quan điểm về các chiến lược hiệu quả nhằm hỗ trợ phúc lợi cho lao động di cư và gia đình họ.

Đối thoại này là một phần của Hội nghị quan chức cấp cao về lao động ASEAN (SLOM) về đánh giá giữa kỳ và lập kế hoạch chiến lược cho Chương trình công tác 5 năm của Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2021-2025 diễn ra tại Boracay, Philippines./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)