Triều Tiên, Hàn Quốc lo ngại Nhật Bản xả thải từ nhà máy Fukushima
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:52, 09/07/2023
Theo AFP, ngày 9/7, Triều Tiên đã chỉ trích việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phê duyệt kế hoạch của Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển trong vài thập niên tới.
Trước đó, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi nhận định việc xả nước thải từ nhà máy Fukushima của Nhật Bản có thể không có ảnh hưởng xuyên biên giới sau khi cơ quan này công bố báo cáo cho biết kế hoạch này sẽ tác động không đáng kể đến môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Phản ứng với động thái của IAEA, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một quan chức Bộ Bảo vệ Môi trường Triều Tiên nhấn mạnh việc xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý này sẽ có "ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người, an ninh và môi trường sinh thái."
Quan chức này nêu rõ: "Hành vi vô lý của IAEA tích cực bảo trợ và tạo điều kiện cho Nhật Bản thực hiện kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ là không thể tưởng tượng được."
Lượng nước ngầm, nước mưa và nước dùng để làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nơi xảy ra sự cố hạt nhân sau thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011, đã lên tới khoảng 1,33 triệu m3.
Do không còn chỗ chứa, nên Chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 - đã lên kế hoạch xả lượng nước này ra biển.
Cũng trong ngày 9/7, các quan chức cấp cao của đảng Dân chủ (DP) đối lập chính đã gặp người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để bày tỏ quan ngại và lấy làm tiếc về kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã gặp các quan chức DP trong chuyến thăm 3 ngày tới Seoul để giải thích về báo cáo của cơ quan này, trong đó kết luận rằng kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tại cuộc gặp, đại diện của DP tại Quốc hội, ông Woo Won-shik, bày tỏ lấy làm tiếc về việc IAEA ủng hộ kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản bất chấp những lo ngại của người dân về ảnh hưởng lâu dài tiềm ẩn từ nước thải đã qua xử lý đối với con người và môi trường.
Trước đó, trong một phiên họp Quốc hội, ông Woo - người phát động phong trào biểu tình tuyệt thực đã bước sang ngày thứ 14 - cho biết: “Kết quả xác minh (của IAEA) đã thiên vị Nhật Bản ngay từ đầu, mất đi tính trung lập và khách quan. Thật đáng tiếc là IAEA đã đưa ra kết luận mà không điều tra kỹ tác động (của việc xả thải) đối với các quốc gia láng giềng.
Wi Seong-gon, nhà lập pháp của DP, đồng thời là người đứng đầu một ủy ban đặc biệt về vấn đề này tại Quốc hội Hàn Quốc, đã kêu gọi IAEA xem xét lại kế hoạch xả thải. Theo đó, Nhật Bản được cho là nên hoãn kế hoạch trên và xem xét các giải pháp thay thế khác cùng với cộng đồng quốc tế.
Đáp lại, ông Grossi cho biết IAEA hoàn toàn hiểu những lo ngại của dân chúng Hàn Quốc và ông đã đến thăm Seoul để giải quyết mối quan ngại này.
Người đứng đầu IAEA nhắc lại kết luận của báo cáo cho rằng kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản “theo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế” và cơ quan này sẽ tiếp tục giám sát quá trình xả thải kéo dài hàng thập kỷ của Nhật Bản để đảm bảo việc này sẽ được thực hiện theo kế hoạch.
Hồi tháng 2/2023, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo phái đoàn của họ đã hoàn tất chuyến thanh tra kéo dài 5 ngày tại Nhật Bản, nhằm đánh giá mức độ an toàn trong kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Fukushima số 1) ra Thái Bình Dương.
Theo IAEA, trong chuyến thanh tra kéo dài từ ngày 14-18/2, phái đoàn đã thảo luận với giới chức Nhật Bản, xem xét kỹ lưỡng các thông số kỹ thuật, đồng thời đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế của kế hoạch xả thải này.
Các chuyên gia của IAEA cũng đã đến thăm và thu thập các mẫu nước từ nhà máy Fukushima Daiichi.
Chính phủ Nhật Bản chủ trương bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 từ mùa Hè năm 2023.
Việc xây dựng và thẩm tra của cơ quan chức năng đã gần hoàn thành, tuy nhiên, các nghiệp đoàn nghề cá tại nước này vẫn đang phản đối do lo ngại các tác động tiêu cực.
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ 2 nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy, trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.
TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác, trừ chất Triti không thể phân tách.
Nước sau khi xử lý được trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và dự kiến sẽ chạm giới hạn vào mùa Thu năm nay./.