Di sản - Truyền thống

Lễ Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa

TTXVN 08/07/2023 06:40

Ngày 9/7/1968, chiến dịch Đường 9-Khe Sanh kết thúc thắng lợi, đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của chiến trường miền Nam hoàn toàn được giải phóng.

Tối 7/7, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa (9/7/1968 - 9/7/2023).

khesanh07072.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Nguồn: Báo Quảng Trị

Cách đây 55 năm, cùng với khí thế tấn công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, bằng trí thông minh và tinh thần quả cảm, quân và dân các dân tộc huyện Hướng Hóa đã sát cánh cùng các quân đoàn, sư đoàn, binh chủng, các đơn vị bộ đội chủ lực đồng loạt tấn công vào các cứ điểm của địch.

Ngày 9/7/1968, chiến dịch Đường 9-Khe Sanh kết thúc thắng lợi, đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của chiến trường miền Nam hoàn toàn được giải phóng.

Cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến thắng Khe Sanh đã góp phần quan trọng buộc chính quyền Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào vòng đàm phán ở Paris, khởi đầu một quá trình thất bại về chiến lược của Mỹ, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

55 năm sau ngày giải phóng, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hướng Hóa đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, xây dựng lại cuộc sống mới, mang lại những đổi thay hết sức to lớn trên quê hương Hướng Hóa.

106d5215146t1274l2-nghe-1.jpg
Chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Vang mãi bản hùng ca Khe Sanh-Hướng Hóa”

Trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Tăng, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa nhấn mạnh: 55 năm qua, Hướng Hóa ngày càng đổi thay phát triển đi lên. Đến nay, kinh tế-xã hội huyện nhà có sự phát triển vượt bậc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng trên 3 lĩnh vực trụ cột: nông-lâm nghiệp; thương mại-dịch vụ, du lịch; công nghiệp-xây dựng. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng cao, năm 2022 đạt hơn 28.556 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43,05 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm; hàng năm tạo việc làm mới hơn 3.100 lao động, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 99,1%...

Huyện đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các vùng chuyên canh tập trung, sản phẩm chủ lực, OCOP, như cà phê, sắn, chuối, cây ăn quả, cao su, cây dược liệu, hoa màu, chăn nuôi; hướng tới phát triển "nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh"...

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đẩy mạnh đầu tư, từng bước đồng bộ hệ thống giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có bước phát triển vượt bậc. Quốc phòng-an ninh luôn được củng cố và tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

106d5215225t9589l2-nghe-3.jpg
Chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Vang mãi bản hùng ca Khe Sanh-Hướng Hóa”

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị đề nghị, trong thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền huyện Hướng Hóa tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện có hiệu quả một số nội dung trọng tâm sau: Tập trung chăm lo hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh. Chăm lo xây dựng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tập trung phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc, của quê hương, tập trung xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; gìn giữ và phát huy có hiệu quả giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; đặc biệt là bản sắc văn hóa của các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô... Qua đó, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 -2025 và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra...

Tại lễ kỷ niệm, đã diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật với chủ đề: “Vang mãi bản hùng ca Khe Sanh-Hướng Hóa,” với các ca khúc về ký ức lịch sử hào hùng; nghĩa tình của dân với Đảng, với cách mạng; nghĩa tình đồng chí, đồng bào; nghĩa tình gắn bó keo sơn của hai dân tộc Việt-Lào anh em...

TTXVN