Chính trị

Không để sự việc tương tự vụ khủng bố ở Tây Nguyên xảy ra, dù khó khăn đến đâu

PV 08/07/2023 06:08

"Phải toàn tâm toàn ý, hết lòng hết sức làm thế nào để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thoát nghèo bền vững" - đồng chí Trương Thị Mai nói và nhấn mạnh không để vụ khủng bố tương tự ngày 11/6/2023 xảy ra.

Chiều 7/7/2023, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan và 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên. 

77-tay-nguyen(1).jpg
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Bộ Công an

Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... là giải pháp căn cơ

Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an - chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng - cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương và tỉnh ủy, ủy ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên; đánh giá vụ việc mất an ninh, trật tự xảy ra ngày 11/6/2023 và các vấn đề nổi lên; làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đề xuất các chủ trương, giải pháp góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, xã hội và đời sống xã hội trên địa bàn Tây Nguyên.

77-tay-nguyen-4-1688742559574357.jpg
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công an

Hội nghị cũng đã thống nhất khẳng định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh; luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến phức tạp về an ninh, trật tự; an ninh cơ sở là thành tố đặc biệt quan trọng của bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững an ninh cơ sở từ cấp xã, phường sẽ giữ vững an ninh trên toàn quốc. Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại là giải pháp căn cơ nhất để giữ vững trật tự xã hội, ổn định ở Tây Nguyên.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Công an trình bày tại hội nghị. Đồng chí Mai khẳng định vụ việc mất an ninh, trật tự xảy ra ngày 11/6/2023 liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên.

"Đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập "Nhà nước Đề ga", gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung".

Đồng chí Trương Thị Mai cũng khẳng định các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Tây Nguyên; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực rất lớn, tinh thần trách nhiệm rất cao của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung toàn tâm, toàn diện, huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa bàn cơ sở trong xử lý vụ việc, truy bắt các đối tượng và nhanh chóng ổn định tình hình địa bàn.

img1178-1688748390947737637605.jpeg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công an

Không để sự việc tương tự xảy ra, dù khó khăn đến đâu

Khẳng định tầm quan trọng, chiến lược của địa bàn Tây Nguyên và vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời nêu rõ, âm mưu của các tổ chức phản động là không thay đổi; qua đó đồng chí Trương Thị Mai tiếp tục nhấn mạnh đến mục tiêu mà Bộ Công an đã đặt ra là "không để sự việc tương tự xảy ra; dù khó khăn đến đâu, thách thức đến đâu cũng phải hoàn thành mục tiêu này".

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp căn cơ nhất là phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề tổ chức thực hiện các chính sách tôn giáo, dân tộc, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa bàn, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị tại địa bàn Tây Nguyên.

"Phải toàn tâm toàn ý, hết lòng hết sức làm thế nào để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thoát nghèo bền vững" - đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

77-tay-nguyen-2-1688742610316150.jpg
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công an

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các ban, bộ, ngành trung ương và thường trực tỉnh ủy, ủy ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên quán triệt nghiêm tinh thần, bài học kinh nghiệm được rút ra từ hội nghị; đặc biệt là những chỉ đạo sát sao của đồng chí Thường trực Ban Bí thư.

Đồng chí Tô Lâm đề nghị các ban, bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên dựa trên chức năng nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, làm tốt công tác dân vận, công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp căn cơ, toàn diện góp phần phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa vùng Tây Nguyên, giải quyết dứt điểm các nguyên nhân, phức tạp nảy sinh về an ninh, trật tự.

Tập trung xây dựng lực lượng công an cấp xã, phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng trị an cơ sở, bám dân, sát dân, nắm tình hình từ nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, chiến lược.

Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung điều tra vụ án "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", sớm đưa các đối tượng phạm tội xử lý nghiêm minh trước pháp luật…

Chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương, chính quyền các địa phương, làm tốt công tác tham mưu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn Tây Nguyên và các địa bàn chiến lược nói chung.

PV