Khơi dậy khát vọng của tuổi trẻ
Sinh thời, Bác Hồ luôn đặt niềm tin vào sức mạnh và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ.
Ngay từ Tết Nguyên đán đầu tiên khi nước nhà giành được độc lập năm 1946, Người đã viết những dòng cảm động về thế hệ tương lai của đất nước: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
Thật vậy, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã cống hiến trí tuệ, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tiếp nối mạch nguồn cảm xúc của nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật ca ngợi tuổi trẻ với khát khao tình nguyện, nhạc phẩm "Khát vọng tuổi trẻ" của nhạc sĩ Vũ Hoàng thực sự mang đến cho người đọc, người nghe những rung cảm đẹp đẽ, đầy tự hào về vai trò và trách nhiệm của thanh niên với Tổ quốc. Nhạc phẩm không những mang giá trị nội dung tư tưởng tích cực mà còn giàu có vẻ đẹp ca từ, nhất là giai điệu âm nhạc thật tươi vui, hào sảng, nhờ đó đã trở thành hành trang tinh thần cho tuổi trẻ Việt Nam suốt gần 30 năm qua.
Trong năm dòng đầu của nhạc phẩm "Khát vọng tuổi trẻ" của nhạc sĩ Vũ Hoàng đã thể hiện niềm vui sướng vô biên khi tuổi trẻ được “chung tay xây ngày mới” theo lời mời gọi của quê hương, đất nước. Tương lai đang vẫy gọi, đường dài đang còn ở phía trước, một chân trời mới vô biên mở ra như thúc giục, đón chờ. Đó chính là sự đóng góp của tuổi trẻ trong cuộc sống không chỉ ở thời điểm hiện tại mà bất kỳ giai đoạn nào cũng cần ra tay chung sức dựng xây và bảo vệ đất nước:
Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời
Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây ngày mới
Dù lên rừng hay xuống biển
Vượt bão giông, vượt gian khổ
Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi!
Cùng với mạch cảm xúc ngợi ca, tự hào về tuổi trẻ, nhạc sĩ Vũ Hoàng sử dụng các từ ngữ “lên rừng”, “xuống biển”, “bão giông”, “gian khổ” để mở ra những không gian rộng lớn của đất nước và cả những gian lao, thử thách mà tuổi trẻ phải vượt qua. Điều đó có nghĩa là tuổi trẻ phải hình dung, đoán định con đường tương lai phía trước của mình không bao giờ là hữu hạn và giản đơn. Đó là những chân trời, nhưng là những chân trời cần lắm niềm tin và nghị lực để vươn lên khám phá, dựng xây bằng một khát vọng mạnh mẽ.
Ngoài sự biểu đạt nội dung một cách trực tiếp để thể hiện khát vọng tuổi trẻ, nhạc sĩ Vũ Hoàng đã sử dụng từ “vượt” như khẳng định một ý chí kiên định, một niềm tin không gì có thể chuyển lay của tuổi trẻ Việt Nam trong quá trình hiến dâng sức lực và trí tuệ của mình để phụng sự Tổ quốc. Đến đây, chúng ta bỗng nhớ lại thời điểm trước 1975, khi Tổ quốc bị chia cắt hai miền, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết trường ca Mặt đường khát vọng để kêu gọi tuổi trẻ ở các đô thị miền Nam thức tỉnh về lòng yêu nước, từ đó xuống đường biểu tình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Ông cũng đã khẳng định khát vọng tuổi trẻ và niềm tin mãnh liệt về sự cống hiến và đoàn kết của họ là vô cùng to lớn: “Trong anh và em hôm nay/Đều có một phần Đất nước/ Khi hai đứa cầm tay/ Đất nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm/ Khi chúng ta cầm tay mọi người/ Đất nước vẹn tròn, to lớn”.
Sau phần ngợi ca về sự hiến dâng, đoàn kết để chung tay xây dựng đất nước, nhạc sĩ Vũ Hoàng cũng không quên bình luận về vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc. Bởi lẽ, hơn ai hết, nhạc sĩ là người từng nhiều năm liền sát cánh với thanh niên để cùng ăn, cùng ở và cùng lao động với Nhân dân qua nhiều miền quê của đất nước. Vì vậy, ông cũng nhận thức được những mặt còn hạn chế của tuổi trẻ. Đó là chưa có tinh thần cống hiến nhưng lại luôn mong muốn hưởng thụ của một bộ phận thanh niên. Vì vậy, như người anh đi trước dẫn đường, nhạc sĩ Vũ Hoàng đã mạnh mẽ và dứt khoát trong thái độ lựa chọn và định hướng cho tuổi trẻ:
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,
Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,
Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.
Cấu trúc câu “Đừng hỏi Tổ quốc… mà cần hỏi ta…” được lặp lại như một điệp khúc có chủ đích (trong âm nhạc điệp khúc này hát lại nhiều lần), nhờ đó đã thể hiện hành động vô tư, khát vọng hiến dâng của tuổi trẻ thật thiêng liêng, cao đẹp. Có lẽ khi viết những dòng ca từ sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết ấy, nhạc sĩ Vũ Hoàng đã từng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời khi Người đề cập đến trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì mà phải hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì nước nhà mà hi sinh chiến đấu chừng nào?” (Trích phát biểu của Bác tại buổi khai mạc Trường Đại học Nhân Dân Việt Nam ngày 19/1/1955).
Lẽ thường hoa nở trong mùa xuân, nhờ đó mà làm nên nét thanh tân của vạn vật đất trời. Tuổi trẻ hiến dâng cho non sông, Tổ quốc cũng giống như loài hoa tuyệt đẹp mỗi ngày tô thắm sắc hương. "Khát vọng tuổi trẻ" của nhạc sĩ Vũ Hoàng mãi mãi là bài ca đi cùng năm tháng, khơi dậy sức thanh xuân giàu ước mơ và sáng tạo của lớp lớp thanh niên Việt Nam trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Qua những ca từ đẹp và giàu ý nghĩa về tư tưởng của nhạc phẩm, không hiểu sao chúng ta lại nghĩ đến về những vần thơ của Tố Hữu thuở nào trong thi phẩm Một khúc ca xuân: “Nếu là con chim, chiếc lá/Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/Lẽ nào vay mà không trả/Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”.
Vâng, tuổi trẻ là hiến dâng; tuổi trẻ là cho đi, “đâu chỉ nhận riêng mình”!