Mỗi năm, Việt Nam có 7.000 người chết vì tai nạn giao thông
Sáng 6/7, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong tình hình mới (Chỉ thị số 23).
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng chủ trì Hội nghị.
Tại Đắk Nông, các đồng chí: Điểu K’ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW để chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới.
Hội nghị tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị 23 của Ban Bí thư; thảo luận các biện pháp để thực hiện hiệu quả mục tiêu yêu cầu của Ban Bí thư đã đề ra.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 10 năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp của Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra để bảo đảm ATGT.
Trong đó, các cấp, ngành, địa phương đã dành nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để giữ gìn ATGT. Nhờ đó, cả nước đã có những chuyển biến tích cực về tình hình bảo đảm ATGT.
Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong Nhân dân có những chuyển biến rõ nét. Số người chết, bị thương và thiệt hại do tai nạn giao thông (TNGT) giảm mạnh qua từng năm.
Trong đó, năm 2022 giảm khoảng 3.000 người chết vì TNGT so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, cả nước giảm 548 người chết vì TNGT so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, 10 năm qua, trung bình mỗi năm ở Việt Nam xảy ra gần 20.000 vụ TNGT, làm chết 7.000 người, bị thương 16.000 người. Trong đó, khoảng 70% người chết, bị thương do TNGT nằm trong độ tuổi lao động. TNGT để lại hệ luỵ rất nặng nề cho xã hội.
Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền, địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATGT.
Công tác quản lý Nhà nước về ATGT có mặt hạn chế, bất cập, chưa xác định rõ trách nhiệm trên một số lĩnh vực. Điều này dẫn đến hiệu lực, hiệu quả bảo đảm ATGT chưa cao, chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá...
Hội nghị đã tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những cách làm hay, sáng tạo trong công tác bảo đảm ATGT thời gian qua. Các đại biểu cũng phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, nhất là những khó khăn về pháp luật, cơ chế, chính sách, sự phối hợp... trong công tác bảo đảm ATGT.
Nhiều đại biểu kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATGT trong thời gian tới.