Quân đội Mỹ thử nghiệm thành công mô hình AI trong xử lý dữ liệu mật
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:19, 06/07/2023
Hãng Bloomberg đưa tin nhóm chuyên gia quân đội Mỹ đã thử nghiệm mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) với dữ liệu mật để thực hiện một nhiệm vụ quân sự và đạt kết quả "thành công."
Đại tá Không quân Mỹ Matthew Strohmeier đã làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ trong nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên ông thử nghiệm mô hình ngôn ngữ lớn để thực hiện một nhiệm vụ quân sự.
Theo ông, thử nghiệm này tỏ ra “rất thành công và rất nhanh chóng.” Vị Đại tá này cho biết hiện nay việc yêu cầu cung cấp thông tin từ một bộ phận cụ thể trong Quân đội Mỹ có thể mất nhiều giờ hoặc nhiều ngày khi nhân viên phải gọi điện thoại hay đến tận nơi tìm hiểu.
Hãng Bloomberg cho biết trong quá trình thử nghiệm, một công cụ AI đã hoàn thành yêu cầu này trong vòng 10 phút.
Ông Strohmeier đề cập tới cuộc thử nghiệm: "Điều đó không có nghĩa là (công cụ AI) đã hoàn thiện. Chúng tôi đã làm điều đó với các dữ liệu mật," đồng thời cho biết công nghệ này có thể được quân đội đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Theo Đại tá Strohmeier, nhóm thử nghiệm quân đội đã cung cấp cho mô hình thông tin nghiệp vụ bí mật để trả lời các câu hỏi nhạy cảm.
Mục tiêu dài hạn của công việc này là nâng cấp hệ thống quân sự của Mỹ để có thể sử dụng dữ liệu với sự hỗ trợ của AI trong việc ra quyết định, trong các hệ thống cảm biến và cho các mục đích liên quan đến điều khiển hỏa lực.
Quân đội Mỹ đang thử nghiệm năm mô hình AI trong chương trình thử nghiệm do Ban Quản lý Kỹ thuật số và AI của Lầu Năm Góc, cũng như ban lãnh đạo quân sự cấp cao chủ trì với sự tham gia của một số nước đồng minh với Mỹ.
Tuy nhiên hãng Bloomberg cho hay Lầu Năm Góc không tiết lộ mô hình ngôn ngữ lớn nào đang được thử nghiệm, mặc dù công ty khởi nghiệp Scale AI ở San Francisco nói rằng sản phẩm mới Donovan của họ nằm trong danh sách các nền tảng được đưa vào thử nghiệm.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc đã công bố kế hoạch siết chặt kiểm soát thông tin tuyệt mật sau vụ một phi công Mỹ bị bắt và truy tố với cáo buộc đăng tải tài liệu mật trên ứng dụng nhắn tin Discord.
Sau 45 ngày xem xét, Lầu Năm Góc thông báo các biện pháp mới bao gồm: bổ nhiệm “các quan chức kiểm soát thông tin tuyệt mật;” thành lập văn phòng mới chịu trách nhiệm đối phó với các mối đe dọa xuất phát từ nội bộ và lập kế hoạch xây dựng các hệ thống phát hiện thiết bị điện tử trong những khu vực làm việc tuyệt mật.
Tháng 6 vừa qua, phi công Jack Douglas Teixeira - 21 tuổi, sống tại North Dighton, bang Massachusetts - đã bị truy tố 6 tội danh về hành vi cố ý tàng trữ và chuyển giao thông tin mật liên quan đến quốc phòng của Mỹ. Mức phạt tối đa cho mỗi tội danh này là 10 năm tù giam.
Teixeira bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ hồi tháng 4 với cáo buộc làm rò rỉ qua mạng Internet hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao, quân sự tuyệt mật của Mỹ trên một nhóm chat chung.
Những thông tin trong nhóm chat này sau đó nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội. Thông tin tình báo bị rò rỉ bao gồm các báo cáo đánh giá của Lầu Năm Góc về cuộc xung đột ở Ukraine và những nhận xét bí mật về các đồng minh của Mỹ.
Đây là sự cố rò rỉ tài liệu mật lớn nhất của Mỹ kể từ sau vụ Edward Snowden - cựu nhân viên hợp đồng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) - tiết lộ hàng loạt tài liệu của cơ quan này hồi năm 2013.
Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân Teixeira có thể tiếp cận được những dữ liệu nhạy cảm nêu trên./.