Trung Quốc giảm mua vào, hồ tiêu Việt Nam giảm giá
Sau khi liên tục thu gom tiêu của Việt Nam, việc các doanh nhân Trung Quốc đột ngột giảm thu mua khiến giá tiêu tại thị trường nội địa trong tháng 6/2023 giảm mạnh.
Giá tiêu giảm do Trung Quốc giảm mua
Theo bản tin của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 6/2023, giá tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh do nhu cầu từ Trung Quốc giảm.
Thông tin từ Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam cho thấy, việc thu mua liên tục từ đầu năm đến nay (đạt gần 50.000 tấn) cho thấy có thể nguồn hàng dự trữ đã được Trung Quốc mua gần đủ nên họ chưa cần thiết mua thêm vào.
Bên cạnh đó, việc EU đưa ra quyết định không nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản được trồng trên đất từ phá rừng cũng tác động tiêu cực lên giá hạt tiêu.
Theo đó, tháng 6/2023, giá tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh so với cuối tháng 5/2023. Tại các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tiêu đen cùng giảm 2.500 đồng/kg, xuống còn 69.000 – 71.500 đồng/ kg; tại các tỉnh Gia Lai và Bình Phước, giá cùng giảm 3.000 đồng/kg, xuống còn 68.500 – 70.500 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá cùng giảm 3.500 đồng/kg, xuống còn 69.500 đồng/ kg.
Giá hạt tiêu trắng ở mức 103.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2023 và thấp hơn so với mức 109.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 6/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 25.000 tấn, trị giá 92 triệu USD, giảm 13,6% về lượng, nhưng tăng 2,0% về trị giá so với tháng 5/2023, so với tháng 6/2022 tăng 3,4% về lượng, nhưng giảm 8,2% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 156.000 tấn, trị giá 498 triệu USD, tăng 26,6% về lượng, nhưng giảm 11,0% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 6/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.667 USD/tấn, tăng 18,1% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 11,3% so với tháng 6/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.184 USD/tấn, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng hạt tiêu Việt Nam tăng, toàn cầu chịu sức ép?
Trên thực tế, trong 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc tích cực mua vào nguồn tiêu từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 5/2023, Trung Quốc nhập khẩu 763 tấn hạt tiêu, trị giá 3,32 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 29% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 giảm 19% về lượng và giảm 28% về trị giá.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu trên 3.000 tấn hạt tiêu, trị giá 13,14 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 29,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 5/2023, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Trung Quốc đạt mức 4.355 USD/ tấn, tăng 18,9% so với tháng 4/2023, nhưng giảm 11,1% so với tháng 5/2022.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, giá nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc ở mức 4.307 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt tiêu từ hầu hết các nguồn cung lớn, ngoại trừ Việt Nam. Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ Indonesia đạt 1.600 tấn, trị giá 6,65 triệu USD, giảm 12,6% về lượng và giảm 27,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Trung Quốc tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, tăng 3,1% về lượng, đạt 1.200 tấn, nhưng tính theo trị giá giảm 17,6%, xuống xấp xỉ 4,31 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2023.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 29,54% trong 5 tháng đầu năm 2022 lên 39,39% trong 5 tháng đầu năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu chịu sức ép khi sản lượng của Việt Nam dự báo tăng, trong khi giới đầu cơ có xu hướng chuyển sang cà phê và sức mua từ các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm.