Kiến nghị thành lập mới các đơn vị hành chính ở các xã có nhiều dự án trọng điểm, dân số đông
Chính sách - Ngày đăng : 20:16, 05/07/2023
UBND TPHCM vừa có báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM gắn với Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Theo UBND TPHCM, qua 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách chính sách tiền lương và góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.
Sau khi sắp xếp, với lượng cán bộ, công chức phù hợp sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức nhưng vẫn đảm bảo cung cấp dịch vụ công cho người dân ngày càng tốt hơn, cũng như thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Dù vậy, TPHCM gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, bởi việc bố trí số lượng công chức và người hoạt động không chuyên trách tại các phường chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số. Điều này ít nhiều có ảnh hưởng việc phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, Thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền điện tử, nhưng tại các phường chưa có chức danh chuyên trách về công nghệ thông tin, nên việc vận hành các chương trình, thiết bị công nghệ gặp nhiều khó khăn.
UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách nên khó chủ động trong điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng.
Từ đó, UBND TPHCM kiến nghị Trung ương nghiên cứu, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cấp ủy trong TPHCM.
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho áp dụng có thời hạn trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc quyết định của Quốc hội.
Đó là quy định cụ thể những nội dung liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, trình tự, thủ tục đơn giản hơn trong việc đấu giá, xử lý tài sản, trụ sở làm việc dôi dư, việc giữ nguyên số lượng cấp phó của một số cơ quan khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính...
UBND TPHCM cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, thành lập mới các đơn vị hành chính ở các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án trọng điểm, quy mô dân số rất đông khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
TPHCM cũng kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt số lượng biên chế hành chính, số lượng người làm việc, số lượng hợp đồng lao động của Thành phố phù hợp với thực tế tại địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 31-NQ/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị theo hướng: giao biên chế theo từng giai đoạn, không theo biên chế từng năm và việc giao biên chế có xét đến yếu tố dân số của địa phương./.