Dự thảo Thông tư quy định về việc thực hiện công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân
Chính sách - Ngày đăng : 17:45, 05/07/2023
Trong những năm qua, công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn được quan tâm, chỉ đạo tăng cường và đổi mới về nội dung, hình thức và phương thức thực hiện công tác dân vận gắn với thực tiễn. Công tác dân vận của lực lượng CAND là toàn bộ hoạt động của lực lượng CAND tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an với Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của Công an đơn vị, địa phương.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh, trật tự. |
Về nội dung công tác dân vận của lực lượng CAND, dự thảo Thông tư nêu rõ:
(1) Tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chế, chương trình, kế hoạch về vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự;
(2) Tuyên truyền, vận động đảng viên, cán bộ, chiến sĩ CAND và nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước nói chung và công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng. Tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhân dân các nước và bạn bè quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước;
(3) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tăng cường công tác cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
(4) Nắm tình hình nhân dân và thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự;
(5) Tổ chức lấy ý kiến giám sát, phản biện trong xây dựng Đảng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là những chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự;
(6) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức quần chúng, mô hình trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực và vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tai nạn và tệ nạn xã hội;
(7) Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của lực lượng Công an nhân dân. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của lực lượng Công an nhân dân và các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;
(8) Tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở;
(9) Tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách dân tộc, tôn giáo và chính sách xã hội. Thực hiện công tác an sinh xã hội, từ thiện, giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; củng cố, tăng cường tình đoàn kết, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an với Nhân dân;
(10) Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, phục vụ nhân dân. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn công tác dân vận trong Công an nhân dân. Tăng cường lực lượng hướng về cơ sở nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác dân vận, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở;
(11) Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân.
Về hình thức dân vận của lực lượng Công an nhân dân, dự thảo Thông tư quy định gồm: vận động công khai, vận động bí mật, vận động rộng rãi, vận động tập trung, vận động cá biệt, vận động gián tiếp, vận động trực tiếp, vận động thường xuyên, vận động theo đợt.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư quy định phương pháp thực hiện công tác dân vận bao gồm: Phương pháp tuyên truyền; phương pháp nêu gương; phương pháp kết hợp, sử dụng linh hoạt các hình thức dân vận; phương pháp vận động, thuyết phục. Người làm công tác dân vận phải “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; phải sát dân, vì nhân dân phục vụ.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây