Biển đảo Việt Nam

Kỳ III: Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc

Thanh Hằng 05/07/2023 08:11

May mắn được đặt chân tới mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng tự hào: “Trường Sa thiêng liêng và quý giá vô cùng. Cả nước đều hướng về Trường Sa và Trường Sa luôn là phên dậu bảo vệ Tổ quốc”.

thumb.jpg

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Hải quân Nhân dân Việt Nam năm 1961 như kim chỉ nam, nhắc nhở lực lượng Hải quân, nhắc nhở tất cả người dân Việt Nam phải có trách nhiệm giữ gìn chủ quyền, sự bình yên của Tổ quốc.

cover.jpg

May mắn được đặt chân tới mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng tự hào: “Trường Sa thiêng liêng và quý giá vô cùng. Cả nước đều hướng về Trường Sa và Trường Sa luôn là phên dậu bảo vệ Tổ quốc”.

tit-phu-1(1).jpg

Có dịp đặt chân đến quần đảo Trường Sa, các đại biểu đều bớt chút thời gian để lưu lại những cảm xúc của mình trong cuốn sổ lưu niệm. Đã có hàng ngàn người đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc và cũng có hàng ngàn lời gửi gắm, lời chúc gửi đến quân, dân huyện đảo Trường Sa.

Đặc biệt tháng 4 vừa qua, hàng trăm kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã có cơ hội tới thăm Trường Sa. Niềm tin, sự yêu thương và cả lòng biết ơn, cảm phục, có lẽ là những cảm xúc chung của rất nhiều người khi ghé thăm vùng đất này.

thu-1(1).jpg
Những lời gửi gắm của kiều bào Việt Nam tới quân, dân huyện đảo Trường Sa.

“Thay mặt kiều bào Hà Lan, gửi tới cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đảo Trường Sa tình cảm thân thương của người người con đất Việt xa Tổ quốc. Dù xa cách nhưng chúng tôi dành tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới quân dân trên đảo. Sự hy sinh của các đồng chỉ để bảo vệ chủ quyền của dân tộc thật đáng trân trọng”, bà Lều Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan chia sẻ khi tới Trường Sa.

ky-3_hinh-4(1).jpg
Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi vào sổ lưu niệm tại đảo Đá Tây A.

Cũng thay mặt hơn 5.000 kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), ông Vũ Trọng Thư bày tỏ sự xúc động, vinh dự khi tới thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Khâm phục ý chí, sự quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, ông Thư còn dâng trào cảm xúc khi tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của biển đảo quê hương. Với giá trị, tiềm năng to lớn của biển đảo Việt Nam, ông Thư mong muốn cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo luôn vững vàng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Hoàng Sa, Trường Sa luôn mãi ở trong tim mỗi người Việt Nam!"

Ông Vũ Trọng Thư, kiều bào tại Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)

tit-phu-2.jpg

Trong đoàn công tác thăm Trường Sa dịp đầu tháng 5 vừa qua, họa sĩ Lê Hoa (Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) có lẽ là đại biểu lớn tuổi nhất.

Cảm xúc trào dâng mỗi khi được đặt chân lên đảo, thế nhưng người họa sĩ 70 tuổi không cố gắng đi thăm thú hết đảo. Trái lại, ông chậm rãi nhìn thật kỹ Trường Sa, để từ đó phác họa lên trang giấy trắng những hình ảnh về đảo.

ky-3_hinh-5(1).jpg
Họa sĩ Lê Hoa (Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) có cảm nhận riêng về cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

Trong chuyến thăm huyện đảo Trường Sa, mỗi điểm dừng chân lại mang đến cho ông một đề tài thú vị. Đó có thể là người lính trẻ làm nhiệm vụ chỉ dẫn tàu, cũng có thể là một vị hòa thượng đang từ tốn châm trà mời khách… Tất cả là những con người cụ thể, những cột mốc sống đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.

Họa sĩ Lê Hoa chia sẻ: “Trong cảm nhận của tôi, Trường Sa rất thiêng liêng, và những người lính đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió rất quả cảm và anh hùng. Từ lúc đặt chân lên đến đảo, tôi nhìn thấy rất nhiều đề tài cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên vì thời gian có hạn, tôi đành “cất tạm” những đề tài ấy vào trí óc để làm tư liệu sáng tác sau này”.

ky-3_hinh-6(1).jpg
Những tác phẩm của ông được vẽ bằng cả trái tim của một người lính.

Theo họa sĩ Lê Hoa, hội họa là loại hình nghệ thuật để nhìn và cảm thụ. Chính điều này tạo ra sự khác biệt với các loại hình nghệ thuật còn lại. Người họa sĩ phải thông qua màu sắc, hình khối, mảng miếng để khắc họa nhân vật, sự việc của mình. Bức tranh có gây được cảm xúc cho người xem hay không, điều quan trọng nhất là sự phối trộn màu sắc trong tác phẩm.

Trong lần đến Trường Sa này, vị nghệ sĩ lớn tuổi không chỉ vẽ bằng con mắt của một họa sĩ, mà ông vẽ bằng cả trái tim của một người lính.

img_1459(1).jpg
Họa sĩ Lê Hoa luôn ấp ủ việc khắc họa vẻ đẹp của người lính Trường Sa dưới góc nhìn đầy màu sắc.

Từng vào sinh ra tử, từng có thời gian tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông hiểu được sự hy sinh thiêng liêng, cao quý của người lính. Chính vì vậy, ông luôn ấp ủ việc khắc họa vẻ đẹp của người lính Trường Sa dưới góc nhìn đầy màu sắc.

“Mắc sắc trong tranh của tôi vẫn là màu xanh. Đó là màu xanh của biển cả, màu xanh của áo lính hải quân và là màu xanh của hòa bình”, họa sĩ Lê Hoa nói về những sáng tác của mình đồng thời cho biết, ông mong muốn những tác phẩm về Trường Sa của mình sẽ được đưa đi triển lãm, để từ đó đưa hình ảnh Trường Sa đến gần với người dân hơn.

tit-phu-3(2).jpg

Hải trình tới với Trường Sa đã có rất nhiều câu chuyện được kể. Từ sự hy sinh anh dũng để bảo vệ từng hòn đảo đến lòng kiên trung, tinh thần quả cảm trước sóng gió giữa trùng khơi. Đó là một phần không thể thiếu trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Khó khăn, gian khổ nhưng với sự quan tâm, động viên của đất liền, của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa và Thềm lục địa phía nam của Tổ quốc luôn vững vàng tâm lý, chắc tay súng, khắc phục gian khổ để quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được gian.

hinh-5-1-.jpg
Nhà giàn DK1/7 Huyền Trân trên thềm lục địa phía Nam.

Tại buổi giao lưu, gặp gỡ với Đoàn công tác số 8 của Quân chủng Hải quân (tháng 5/2023), Thiếu tá Nguyễn Văn Băng, Chính trị viên Nhà giàn DK1/7 Huyền Trân chia sẻ, với đặc thù là vị trí đóng quân độc lập, xa đất liền, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, song cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn luôn nhận thức sâu sắc về tình hình nhiệm vụ, đoàn kết, thống nhất.

Trong thời gian qua, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn an tâm tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nhận thức sâu sắc về tình hình nhiệm vụ, nhất là âm mưu thủ đoạn của các lực lượng nước ngoài đối với quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1. Tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Huyền Trân luôn kiên định, quyết tâm “còn người còn nhà giàn".

hinh-6(1).jpg
Tình cảm và những món quà người dân gửi đến nơi đầu sóng ngọn gió.

Tham gia Đoàn công tác số 8, Quân chủng Hải quân tháng 5/2023 vừa qua, Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Phan Tuấn Hùng đánh giá, Trường Sa và Thềm lục địa phía Nam luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng mỗi người Việt Nam.

Tình cảm và những món quà gửi đến nơi đầu sóng ngọn gió đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để cán bộ, chiến sĩ vững vàng, yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

ky-3_hinh-8-2-(1).jpg
Đoàn công tác của đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà quân, dân xã đảo Song Tử Tây.

"Với tinh thần "Tất cả vì Trường Sa thân yêu", các đoàn công tác đã mang hơi ấm từ đất mẹ đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo và nhà giàn DK1; động viên và tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

“Trong thời gian tới, Quân chủng Hải quân sẽ tổ chức nhiều chuyến đi thăm Trường Sa và Thềm lục địa phía Nam để mọi người có thể hiểu hơn những nỗ lực cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo, từ đó có trách nhiệm nhiều hơn trong việc tuyên truyền về ý nghĩa và vai trò của biển, đảo Việt Nam", Chuẩn đô đốc Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh.

ky-3_hinh-7.jpg
Chuẩn đô đốc Phan Tuấn Hùng , Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân (bên phải)

Mỗi người dân phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc tuyên truyền về ý nghĩa và vai trò của biển, đảo Việt Nam

Chuẩn đô đốc Phan Tuấn Hùng
Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân

Bài, ảnh: Thanh Hằng

Thanh Hằng