Cựu chiến binh Đắk Nông góp phần phát triển doanh nghiệp
Nhiều cựu chiến binh ở Đắk Nông đã thành lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp có hiệu quả. Phần lớn doanh nghiệp của cựu chiến binh đều tạo ra sản phẩm chất lượng, tạo việc làm cho lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh
HTX Nam Hà (Cư Jút) do cựu chiến binh Trần Văn Định vận động thành lập và “chèo lái” phát triển vững mạnh. HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu trên 100 ha gấc, đầu tư chế biến tinh dầu gấc xuất khẩu.
Mỗi năm, HTX đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng; 150 lao động thời vụ có thu nhập 70 triệu đồng/người/năm. HTX giúp đỡ nhiều hội viên thoát nghèo.
Còn cựu chiến binh Nguyễn Đình Liên, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thành An (Đắk Song) liên kết kinh doanh xăng dầu có tổng doanh thu mỗi năm 7 tỉ đồng. Hàng năm, Công ty tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, thu nhập bình quân đạt từ 7- 8 triệu đồng/người/tháng.
Cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức), đầu tư máy móc chế biến góp phần phát triển thương hiệu mắc ca Đắk Nông...
Đắk Nông hiện đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân cựu chiến binh với có 88 thành viên. Các thành viên CLB thành lập, quản lý 43 công ty, doanh nghiệp, HTX, đại lý, trang trại, gia trại, hộ sản xuất kinh doanh.
Các thành viên CLB đã giải quyết việc làm cho 950 hội viên, thu hút hơn 1.500 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 60-80 triệu đồng/người/năm.
CLB xây dựng nguồn quỹ gần 30 tỉ đồng để giúp 4.166 hội viên khó khăn vay vốn không tính lãi hoặc lãi suất thấp để phục vụ phát triển kinh tế...
Tại Đại hội CLB Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông lần thứ I, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra vừa qua, Anh hùng Lao động, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Đình Trường đánh giá các cựu chiến binh của Đắk Nông là chủ doanh nghiệp, HTX có nhiều cách làm hay.
Doanh nhân cựu chiến binh Đắk Nông cần tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển doanh nghiệp.
Trong đó, Anh hùng Lao động Nguyễn Đình Trường nhấn mạnh, doanh nghiệp giỏi là phải sản xuất có lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp không hoàn thành được mục đích sản xuất, kinh doanh, không có lợi nhuận thì không có điều kiện đóng góp phát triển kinh tế, xã hội.
Đối với doanh nhân thì phải xây dựng doanh nghiệp, HTX của mình vững mạnh toàn diện. Doanh nghiệp của cựu chiến binh phải mạnh về thương hiệu, mạnh về sản phẩm, mạnh về cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân cựu chiến binh Đắk Nông, CLB đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp vững mạnh, tăng phúc lợi cho người lao động.
CLB thực hiện các chính sách của người lao động, tiên phong thực hiện phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an ninh, an toàn, môi trường và tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao....
Hiện nay, 63 tỉnh thành trên cả nước đã thành lập được CLB, hội doanh nhân cựu chiến binh, với hơn 4.000 hội viên. Các CLB cựu chiến binh thu hút 1.200 hội viên là giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam có 3.000 HTX, 7.000 trang trại, giải quyết việc làm cho khoảng 100 ngàn lao động.