Kinh tế

Doanh nghiệp Đắk Nông gồng mình trước khó khăn

Nguyễn Lương 05/07/2023 06:35

Chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vốn hạn hẹp, đơn hàng giảm… đang đổ dồn lên doanh nghiệp ở Đắk Nông. Các doanh nghiệp đang phải gồng mình để từng bước giải quyết khó khăn.

Chật vật tìm đầu ra

Sản xuất, chế biến gỗ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng khá mạnh của nền kinh tế. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang chật vật tìm đầu ra. Công ty Cổ phần Ván công nghệ Bison (Cư Jút) là một ví dụ.

img_1917-1-.jpg
Đơn hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Ván công nghệ Bison gặp khó

Theo lãnh đạo Công ty này, bước vào năm 2023, tình trạng thiếu đơn hàng gia tăng. Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành này khốc liệt. Giá bán sản phẩm vì thế giảm thấp, đồng thời khó tìm kiếm đơn hàng.

“Mọi năm, thời điểm này, chúng tôi chế biến sản phẩm không kịp giao cho đối tác. Riêng năm nay, tình hình ngược lại. Đơn hàng lớn truyền thống giảm. Nhu cầu thị trường tiềm năng giảm”, lãnh đạo Công ty này chia sẻ.

Hiện tại, giải pháp tối ưu nhất đối với Công ty Cổ phần Ván công nghệ Bison là chủ động tìm kiếm khách hàng mới, tăng nhiều kênh quảng bá.

Công ty mở rộng tìm kiếm thêm nhiều nguồn nguyên liệu để giảm chi phí. Mặc dù vậy, Công ty xác định năm 2023 còn đối mặt với rất nhiều khó khăn.

z4484072441336_3049787128d4b7bf6e9d3f3003584c39-1-.jpg
Đơn hàng của Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông giảm 20-30% so với năm 2022

Tương tự, Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông hiện cũng gặp khó khăn về đầu ra. 6 tháng đầu năm 2023, số lượng hàng giảm khoảng 20-30% so với mọi năm.

Theo anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty, tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp lớn, nhỏ đều ảnh hưởng. Nhu cầu của người tiêu dùng trong nước đang yếu dần đi, theo xu hướng “thắt lưng buộc bụng”.

Những năm trước, mặc dù gặp dịch bệnh, nhưng bình quân mỗi năm Công ty xuất ra thị trường 500 tấn cà phê bột. Riêng năm 2023, dự kiến con số đó giảm xuống còn trên dưới 350 tấn.

“Nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi mọi chi phí sản xuất đều tăng. Điều này khiến Công ty gặp thách thức. Hiện tại, Công ty đang đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, thị trường mới”, anh Hoàng cho biết.

hd-1-1-.jpg
Hạt điều là một trong những loại nông sản xuất khẩu tốt nhất hiện nay của Đắk Nông

Theo nhiều doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn. Lãi suất vay ngân hàng dù giảm, nhưng vẫn còn “neo” ở mức cao.

Chi phí đầu tư sản xuất của doanh nghiệp đều tăng, trong khi, mọi đơn hàng giảm. Đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa kịp phục hồi nay lại càng bế tắc hơn.

Hàng tồn kho tăng cao

Theo Sở KHĐT, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động của các doanh nghiệp rất khó khăn và được ví như bức tranh thiếu gam màu sáng.

Toàn tỉnh có 304 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 1.239 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2022, số doanh nghiệp mới giảm 20%, số vốn đăng ký giảm 60,59%. Toàn tỉnh có 46 doanh nghiệp giải thể, 127 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.

Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như: thương mại, xây dựng; công nghiệp chế biến; dịch vụ việc làm; du lịch…

Số doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng. Trong khi, những doanh nghiệp đang hoạt động phải đối diện với nhiều khó khăn cả đầu ra, lẫn đầu vào.

Ở đầu vào, doanh nghiệp gặp khó do thiếu vốn. Trong khi mọi chi phí sản xuất đều tăng cao. Ở đầu ra, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, tăng hàng tồn kho.

img_1692-1-.jpg
Chi phí tăng cao, trong khi đơn hàng giảm là nguyên nhân gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Đắk Nông

Trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Đắk Nông giảm 6,71%. Ngược lại, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp lại tăng 135% so với cùng kỳ.

Về tiêu dùng, tuy tốc độ có tăng, nhưng không đáng kể. Tâm lý “thắt lưng buộc bụng” xuất hiện trong đại dịch đã được nới lỏng, nhưng đại bộ phận người dân vẫn khó khăn.

Do vậy, người dân có xu hướng chỉ chi tiêu cho những hoạt động, sản phẩm thiết yếu. Đây là những nguyên nhân khiến thị trường tiêu thụ càng ngày càng khó hơn.

Nguyễn Lương