---- Kinh tế

VietGAP giúp nông sản Đắk R’lấp rộng đường tiêu thụ 

Hưng Nguyên 04/07/2023 05:56

Thời gian qua, huyện Đắk R'lấp đã hỗ trợ người dân áp dụng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Phương pháp sản xuất này đã giúp bà con nâng cao giá trị nông sản và thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

dsc08896-1-.jpg
Sầu riêng của anh Tòng bán giá cao nhờ đạt chứng nhận VietGAP

Anh Nguyễn Bá Tòng, thôn 4, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) có 6 ha đất trồng cây ăn trái. Sau nhiều năm kiến thiết, vườn cây bắt đầu cho thu hoạch.

Việc tiêu thụ chủ yếu do anh kết nối với các thương lái. Trong quá trình sản xuất, anh nhận thấy, cần thay đổi quy trình canh tác theo hướng an toàn nông nghiệp, sử dụng phân thuốc sinh học.

Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm của anh vẫn gặp khó khăn do chưa đạt các chứng nhận an toàn nông nghiệp. Năm 2022, anh được Phòng NN-PTNT huyện Đắk R'lấp hỗ trợ quy trình sản xuất và hồ sơ chứng nhận VietGAP.

Anh Tòng cho biết, trái cây có chứng nhận VietGAP thuận lợi hơn trong việc kết nối tiêu thụ. Sản phẩm đủ điều kiện vào các siêu thị, nên dần kết nối được với các công ty, doanh nghiệp thu mua, giảm việc tiểu thương ép giá.

Hiện nay, anh Tòng có 6 ha cây ăn trái. Trong đó, anh có 300 cây sầu riêng cho thu chính; 300 cây bưởi; 2.000 cây cam bắt đầu cho thu hoạch…

Năm vừa qua, anh thu được 50 tấn sầu riêng, 15 tấn bưởi, giá bán thường cao hơn giá thị trường 2.000 – 3.000 đồng/kg, riêng cây cam năm nay bắt đầu cho thu bói.

Tương tự, HTX Nông nghiệp Trường Sinh (Đắk R'lấp) được Phòng NN-PTNT huyện Đắk R'lấp hỗ trợ quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP cho 25 ha sầu riêng.

Ông Đoàn Văn Trường, Giám đốc HTX cho biết, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp HTX tạo ra sản phẩm chất lượng theo quy trình an toàn nông nghiệp.

Sản phẩm được chứng nhận VietGAP giúp HTX thuận lợi trong việc kết nối tiêu thụ, giá bán cao hơn sầu riêng thông thường trên thị trường khoảng 20%.

dsc03722(1).jpg
Sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn giúp nhiều người dân Đắk R'lấp thuận lợi trong kết nối tiêu thụ

Từ năm 2019-2022, huyện Đắk R’lấp đã hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích hơn 120 ha.

Cụ thể, huyện hỗ trợ quy trình sản xuất VietGAP đối với 40 ha hồ tiêu cho HTX Hưng Phát; 25 ha mít, sầu riêng cho HTX Nông nghiệp Trường Sinh; 50 ha sầu riêng cho HTX Trường Thịnh; 6 ha sầu riêng, bưởi cho trang trại Bốn Tòng; 3 ha mít cho trang trại của bà Lê Thị Kim Liên...

Lãnh đạo UBND huyện Đắk R'lấp cho biết, thời gian qua, huyện thực hiện một số chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.

Nhờ đó, nhiều nông sản được cấp mã vùng trồng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Trong đó, sản xuất VietGAP giúp huyện hướng tới ngành Nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Huyện Đắk R’lấp có 43.582 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó.  có hàng trăm ha được sản xuất theo các quy trình an toàn như VietGAP, hữu cơ, sinh học…

Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp đánh giá, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây sinh trưởng và phát triển mạnh, chống chịu được sâu bệnh hại, giảm lượng thuốc trừ sâu.

Qua thời gian triển khai, sản phẩm của các HTX, hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP đều có logo nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, tạo thuận lợi cho việc kết nối tiêu thụ.

Huyện Đắk R'lấp đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 35% sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tiêu thụ ổn định qua hợp đồng liên kết; từ 20-30% sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Hưng Nguyên