---- Kinh tế

Bước tiến mới của nông nghiệp Đắk Mil 

Hưng Nguyên 04/07/2023 05:56

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Đắk Mil đã có nhiều giải pháp để tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, huyện chú trọng tái cơ cấu sản xuất, cây trồng.

cftaicanh(1).jpg
Vườn cà phê tái canh của ông Hùng cho hiệu quả kinh tế cao

Nhiều năm qua, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hồ Ngọc Hùng, ở thôn Đức Trung, xã Đức Mạnh (Đắk Mil), chủ yếu từ rẫy cà phê 2,5 ha.

Sau thời gian dài canh tác, vườn cà phê già cỗi và bắt đầu giảm năng suất. Để tăng hiệu quả kinh tế, ông Hùng tiến hành cải tạo, tái canh bằng giống cà phê TR4 và cà phê dây.

Ông Hùng cho biết, trước khi tái canh, ông tìm hiểu kỹ các giống cà phê phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, ông đã tái canh 1.500 cây cà phê giống TR4, mỗi năm cho thu hoạch 6 tấn cà phê nhân; 800 cây cà phê dây mỗi năm cho thu hoạch 3,5 tấn cà phê nhân.

Các giống cà phê mới đều cho thu nhập cao hơn so với cà phê cũ trước đây. Kinh tế gia đình ông vì thế ngày càng ổn định, phát triển hơn.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực và mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân huyện Đắk Mil. Chính vì thế, việc tái canh cà phê bằng việc đưa các giống hiệu quả, cho năng suất cao thay thế giống cà phê già cỗi được huyện chủ trọng.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tái canh được 1.959 ha cà phê. Các giống cà phê tái canh chủ yếu như TR4, cà phê dây... Phần lớn diện tích cà phê tái canh đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài tăng hiệu quả sản xuất, huyện Đắk Mil  tập trung vào việc chế biến để tăng giá trị sản phẩm cà phê của địa phương. Đến nay, trên địa bàn đã có 17 tổ chức và cá nhân đầu tư dây chuyền rang, xay, chế biến cà phê bột với quy mô vừa và nhỏ.

Cà phê sau chế biến đã tạo ra thu nhập cao cho người dân, đồng thời quảng bá được thương hiệu cà phê của địa phương trong và ngoài tỉnh.

Huyện Đắk Mil có 44.152 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài cà phê, Đắk Mil còn có hơn 4.381 ha cây ăn quả, sản lượng 27.755 tấn. Trong đó xoài 1.620 ha; sầu riêng 1.386 ha; bơ 840 ha và cây ăn quả khác. Các loại cây ăn quả đang được người dân sản xuất theo quy trình nông nghiệp an toàn, có chứng nhận.

Tái cơ cấu chăn nuôi cũng được huyện Đắk Mil triển khai theo hướng tập trung, trang trại, gia trại, liên kết chặt chẽ đầu ra. Nhiều con giống mới có hiệu quả kinh tế cao cũng được người dân đưa vào chăn nuôi.

Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Đắk Mil đã có nhiều sản phẩm chủ lực khẳng định vị trí trên thị trường, đầu ra tốt hơn cho người dân..

Hiện nay, 1 ha đất nông nghiệp ở Đắk Mil cho thu nhập bình quân  71,5 triệu đồng. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 67,8 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện có 16 cơ sở, doanh nghiệp, HTX, THT và 4.449 hộ gia đình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác như hữu cơ, 4C, UTZ, Flo...

Các sản phẩm chế biến trong huyện đã bước đầu xây dựng được thương hiệu. Huyện đã có 11 sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP hạng từ 3 - 4 sao.

Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi về giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất để tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, huyện tập trung kêu gọi, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, ưu tiên theo hướng chế biến tinh, sâu.

Huyện phối hợp tổ chức các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông sản; quan tâm công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp...

Hưng Nguyên