Văn hóa


Nỗi niềm nghệ nhân

Lê Phước 01/07/2023 17:21

“Nhạc cụ thì vẫn còn nhưng lớp nghệ nhân chúng tôi sẽ già đi, không còn nữa. Lớp trẻ thì không đứa nào chịu học. Sau này liệu còn ai gìn giữ văn hóa truyền thống nữa”…

nghe-nhan.jpg

“Nhạc cụ thì vẫn còn nhưng lớp nghệ nhân chúng tôi sẽ già đi, không còn nữa. Lớp trẻ thì không đứa nào chịu học. Sau này liệu còn ai gìn giữ văn hóa truyền thống nữa”…

Kết tình từ những âm điệu

Nằm sát quốc lộ 28, căn nhà gỗ của bà H’Grao, ở bon B’Dơng, xã Đắk Som (Đắk Glong) khiêm tốn bên dãy nhà to lớn xung quanh. Đó là nơi ở của gia đình bà H’Grao, Nghệ nhân ưu tú người Mạ.

Bà H’Grao và chồng là ông K’Bột lấy nhạc cụ ra trước hiên nhà. Bà H’Grao thổi M’Buốt còn ông K’Bột thổi R’Let. Hai ông bà cùng nhau dạo một khúc nhạc khá vui tươi.

img_3962(1).jpg
Vợ chồng bà H'Grao chơi một khúc nhạc bằng các nhạc cụ truyền thống

Ông K’Bột - người sỏi tiếng phổ thông hơn - giới thiệu rằng khúc nhạc này thường được chơi ở trong những dịp lễ, hội của người Mạ. Vợ chồng ông học từ bố mẹ lúc còn nhỏ.

dan-ong-thuong-thoi-m-buot.png

Khi lên nương rẫy, những điệu nhạc giúp cho người Mạ cảm thấy đỡ cô đơn hơn. Người Mạ cũng tin rằng cây lúa, cây bắp khi nghe tiếng nhạc cũng sẽ nhanh lớn hơn, mang lại mùa màng ấm no.

Vợ chồng ông K’Bột đang giữ 4 loại nhạc cụ. Ngoài M’Buốt và R’Let, 2 loại nhạc còn lại là T’Ron và T’Rông. Trong đó, T’Rông là loại nhạc cụ gắn với câu chuyện tình của hai nghệ nhân già.

img_4078(1).jpg
Một số nhạc cụ vợ chồng nghệ nhân H'Grao còn gìn giữ
img_3995(1).jpg
Bà H'Grao chơi T'Ron còn ông K'Bột thổi R'Let
img_4066(1).jpg
T'Rông là nhạc cụ gắn với mối tình của 2 nghệ nhân già
img_4005(1).jpg
Bà H'Grao thổi một khúc nhạc T'Rông. Âm thanh của loại nhạc cụ này như tiếng thì thầm, nói chuyện
img_4016(1).jpg
Ông K'Bột và vợ cùng chơi được nhiều loại nhạc cụ, trong đó có T'Ron
img_3943(1).jpg
Ông K'Bột gìn giữ nhạc cụ. Trước khi sử dụng, ông lau chùi và kiểm tra âm thật kỹ
img_3970(1).jpg
R'Let là nhạc cụ ông K'Bột thổi rất hay
img_4018(1).jpg

Khoảng năm 1966 - 1967, ông K’Bột và bà H’Grao gặp nhau ở Gia Nghĩa. Hai thanh niên người Mạ cảm mến nhau và nhờ T’Rông làm cầu nối.

tieng-nhac-nhu-tieng-long.png

Năm 1968, ông K’Bột và bà H’Grao kết hôn. Ở với nhau 55 năm, ông bà có với nhau 12 người con. Nhưng 3 người con mất nên chỉ còn 9. Con cái của ông bà có người làm giáo viên, người làm công an, người buôn bán, người làm rẫy…

Bà H’Grao thổi một đoạn T’Rông rồi tủm tỉm kể: Thổi nghe như tiếng nhạc vậy nhưng là tiếng nói chuyện đó. Nam nữ thanh niên mến nhau thì dùng T’Rông để nói chuyện, tỏ tình.

Bởi nói ra thì sợ người ta nghe nên phải dùng nhạc để tâm tình. Bên này hỏi, bên kia đáp bằng nhạc. Vợ chồng tôi cũng dùng T’Rông để nói lời yêu nhau.

Nổi tiếng nhờ nhạc cụ truyền thống

Hai vợ chồng bà H’Grao đều chơi được 4 loại nhạc cụ nói trên. Trong đó, bà H’Grao nổi tiếng với M’Buốt, loại nhạc cụ xưa nay thường do đàn ông thổi.

Ông K’Bột kể rằng trước đây, đàn ông thường thổi M’Buốt để ru con. Đứa trẻ được người cha cuốn trước ngực hoặc cõng sau lưng. Người cha sẽ thổi M’Buốt để ru con ngủ. Những đứa trẻ người Mạ lớn lên từ những khúc nhạc M’Buốt.

M’Buốt khá giống Đing năm. Nhạc cụ này là sự kết hợp của 1 quả bầu lớn và 6 ống trúc dài ngắn khác nhau. Sáu ống trúc được chia thành 2 bè (phía trên 4 ống và phía dưới 2 ống), xuyên qua thân quả bầu.

m-buot-can-bo-hoi-khoe.png

Quả bầu có tác dụng khuếch đại âm thanh. Người chơi M’Buốt sẽ thổi vào thân quả bầu và dùng tay chỉnh các nốt nhạc trên ống trúc.

Thổi M’Buốt cần bộ hơi khỏe. Đàn ông thổi đã khó, phụ nữ thổi còn khó hơn nhiều. Để thổi được M’Buốt, bà H’Grao đã khổ luyện rất lâu. Bà H’Grao không chỉ biết thổi M’Buốt mà tiếng nhạc bà thổi rất hay, được giới nghệ nhân đánh giá cao.

img_3965(1).jpg
Nghệ nhân H'Grao nổi tiếng với M'Buốt
img_3941(1).jpg
M'Buốt được làm từ quả bầu lớn với tác dụng khuếch đại âm thanh
img_3950(1).jpg
6 ống trúc được kết thành 2 bè, có âm thanh khác nhau
img_4018(1).jpg
M'Buốt là loại nhạc cụ khó sử dụng vì cần hơi khỏe. Rất ít người biết thổi M'Buốt và hầu hết đều là đàn ông
img_4081(1).jpg
M'Buốt là nhạc cụ được vợ chồng nghệ nhân H'Grao thường xuyên sử dụng

Vợ chồng bà H’Grao là những nghệ nhân người Mạ nổi tiếng ở Đắk Nông. Ngoài 4 loại nhạc cụ trên, hai vợ chồng bà chơi được cồng chiêng. Nhờ chơi hay, chơi giỏi, hai vợ chồng được đưa đi công diễn khắp nơi, cả trong và ngoài tỉnh.

Hiện vợ chồng ông K’Bột còn giữ 1 bộ chiêng. Bộ này gồm 6 chiếc chiêng, tên lần lượt là: Me, Rơ lun, Đân, Ruh, Rah và Kon. Bộ chiêng này có tuổi đời hàng chục năm và hiện đã rất cũ.

Trong bộ chiêng của vợ chồng nghệ nhân này, chiêng Ruh đã thủng 1 lỗ. Chiêng đã thủng nhưng âm thanh còn chuẩn. Ông K’Bột tự sửa, chỉnh âm lại dùng tạm. Bởi vì tiền mua một chiếc chiêng khá tốn kém, khoảng 20 triệu đồng.

img_4075(1).jpg
Bộ chiêng truyền thống 6 chiếc được ông K'Bột gìn giữ
img_4043(1).jpg
Bộ chiêng đã cũ và ít dịp sử dụng nên bụi bám ngày càng nhiều
img_4046(1).jpg
Ông K'Bột là người chơi được chiêng, và cũng là người chỉnh được âm thanh của dàn nhạc cụ này
img_4062(1).jpg
Để chơi chiêng, người chơi phải xòe 1 bày tay bên trong chiêng. Tay còn lại nắm và gõ vào mặt chiêng để kết hợp với nhau tạo ra âm thanh
img_4057(1).jpg
Một chiếc chiêng đã cũ và thủng 1 lổ lớn
img_4064(1).jpg
Chiếc chiêng cũ vẫn được sửa tạm để sử dụng vì số tiền bỏ ra mua lại khá nhiều

Cả 2 vợ chồng ông K’Bột đều tham gia đội cồng chiêng của người Mạ. Vào các dịp lễ, hội, ông bà đi tham gia công diễn khắp nơi. Khi du khách có nhu cầu, vợ chồng ông được mời tham gia diễn xướng.

“Mỗi lần biểu diễn phục vụ du khách được mấy trăm nghìn đồng. Mình vừa được khoe nhạc của đồng bào mình lại vừa được tiền nên vui lắm”, bà H’Grao cười nói.

Trong nhà bà H’Grao được treo đầy những bằng khen, giấy khen. Đó là kết quả của nỗ lực không biết mệt mỏi của vợ chồng nghệ nhân già.

Đáng chú ý nhất là Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” của bà H’Grao vì Nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Đắk Nông. Năm 2019, Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu này cho bà H’Grao vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

nghe-nhan-uu-tu(1).jpg
Bà H'Grao được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2019

“Mình công diễn thì cũng nhiều người biết đến. Mình đi khắp nơi cũng học được nhiều điều hay, những nét văn hóa đặc sắc của tộc người khác”, ông K’Bột tâm sự.

Nỗi lo thất truyền

Người Mạ là một trong số nhiều dân tộc thiểu số ở Đắk Som nói riêng, Đắk Nông nói chung. Hiện người Mạ không cư trú độc lập như xưa mà sống xen kẽ cùng các đồng bào dân tộc khác.

Điều kiện cư trú thay đổi khiến cho nhiều phong tục, tập quán của người Mạ cũng thay đổi. Họ không còn những nghi lễ cúng lúa mới và các nghi lễ lớn như trước nữa. Những người chơi nhạc không còn nơi để biểu diễn. Người giữ gìn nhạc cụ ít dần và người biết chơi nhạc càng ngày càng ít đi, chủ yếu là người già.

noi-buon-nguoi-thay.png

Nhận ra vấn đề đó, ông K’Bột đã thai nghén ý tưởng truyền dạy lại kỹ năng cho thế hệ trẻ. Vợ chồng ông mong muốn lớp trẻ sẽ chơi được nhạc cụ của dân tộc mình, gìn giữ được văn hóa truyền thống của người Mạ.

Thế nhưng, kết quả mang lại không như mong muốn. Trong 9 người con của vợ chồng nghệ nhân H’Grao, cũng không có ai biết chơi nhạc.

ba-hgrao(1).jpg

Các lớp ông K’Bột tham gia dạy trong cộng đồng cũng không được giới trẻ người Mạ quan tâm. Ngày đầu tiên mở lớp còn có vài người dến. Nhưng rồi cứ thưa dần, cuối cùng chỉ còn lại người thầy già K’Bột.

nguoi-choi-nhac-it-di.png

Bon B’Dơng của K’Bột hiện có 4 người biết chơi nhạc, đều ở tuổi chừng 70. Để diễn xướng cồng chiêng, một đội cần đủ 6 người. Mỗi lần công diễn, ông K’Bột phải liên hệ người ở bon khác mới đủ đội biểu diễn.

Nhạc cụ là văn hóa, là truyền thống của người Mạ. Nhưng giờ đây, những người Mạ biết chơi nhạc chủ yếu là người già. Sắp tới chúng tôi sẽ già đi, sẽ chết. Nếu những giá trị văn hóa này không được trao truyền thì trong tương lai xa, âm nhạc và nhạc cụ người Mạ sẽ không còn nữa"

Ông K'Bột

Nỗi niềm của bà H'Grao và ông K'Bột là rất có cơ sở. Bởi không chỉ người Mạ, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng đang trong tình trạng như vậy. Nhiều loại nhạc cụ truyền thống không được chú trọng gìn giữ. Lớp trẻ cũng chưa quan tâm tới việc học, duy trì và phát triển bản sắc văn hóa nhạc cụ nói riêng và cộng đồng nói chung.

chua-nhu-ky-vong.png

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Nông, hầu hết các nghệ nhân trên địa bàn đều đã lớn tuổi. Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ, tôn vinh những người có công lưu giữ văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc. Nhà nước cũng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động và mở các lớp dạy nhạc cụ cho lớp trẻ. 

Tuy nhiên, những kết quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng. Nhạc cụ và những người chơi nhạc trong cộng đồng dân tộc thiểu số đang ngày càng thưa dần...

Lê Phước