EU ưu tiên giải quyết các vấn đề kinh tế và quốc phòng

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 04:30, 01/07/2023

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tiến hành hội nghị thượng đỉnh thường kỳ kéo dài trong hai ngày 29 và 30/6, tại thủ đô Brussels của Bỉ, thảo luận một loạt vấn đề nóng của khối, trong đó ưu tiên kinh tế, an ninh, quốc phòng và cuộc xung đột tại Ukraine.
Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị ở Brussels (Bỉ). (Ảnh: EURONEWS)
Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị ở Brussels (Bỉ). (Ảnh: EURONEWS)

Về kinh tế, EU đã xem xét việc thực hiện các kết luận trước đó về chính sách công nghiệp của khối, khả năng cạnh tranh và sản xuất dài hạn của châu Âu. Các nhà lãnh đạo thảo luận sâu về tình hình kinh tế ở EU, đặc biệt liên quan cách thức tăng cường an ninh kinh tế và khả năng phục hồi. Theo dữ liệu mới, được công bố ngày 30/6, lạm phát của Eurozone dự kiến giảm xuống mức 5,6% trong tháng 6, song vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%.

Về quốc phòng, các nhà lãnh đạo EU kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) trình bày đề xuất tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng của liên minh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (S.Mi-sen) cho biết, EU quyết tâm tăng cường khả năng hành động tự chủ, đồng thời nhấn mạnh các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và hợp tác EU-NATO là điều cần thiết đối với an ninh chung của châu Âu.

Về hỗ trợ Ukraine, tuyên bố của hội nghị cho biết, các thành viên EU sẵn sàng cùng các đối tác tiếp tục thực hiện các cam kết lâu dài để củng cố an ninh của Ukraine. Một quan chức EU cho biết, EU tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo và quân sự dài hạn, giúp Ukraine không chỉ vượt qua khó khăn do xung đột, mà còn trở nên hùng mạnh và hội nhập sâu hơn vào EU và NATO.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban (V.Ô-ban) cho biết nước này phản đối kế hoạch của EC cấp thêm tiền cho Ukraine và không sẵn sàng đóng góp thêm để EU trang trải các chi phí vay nợ của khối. Thủ tướng Orban chỉ trích đề nghị của EC yêu cầu Budapest đóng góp thêm tiền trong khi Hungary và Ba Lan chưa nhận được khoản tài trợ từ Quỹ Phục hồi sau đại dịch của EU.

EU trước đó thông báo sẽ tài trợ cho Ukraine 50 tỷ euro trong giai đoạn 2024-2027. Tuy nhiên trên thực tế, ngân sách chung của khối trong giai đoạn 2021-2027 đang cạn kiệt do đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng. Bên cạnh đó, lạm phát cao và lãi suất tăng cũng đã khiến chi phí vay nợ của EU đội lên gấp đôi.

Trong khi đó, ngày 29/6, Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD, do Chính phủ Nhật Bản bảo lãnh. WB nêu rõ, khoản vay sẽ giúp Ukraine đáp ứng nhu cầu tài chính hỗ trợ những người bị ảnh hưởng và phải sơ tán vì xung đột, đồng thời thúc đẩy cải cách nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về chi tiêu công, cũng như phục hồi kinh tế.

Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hoàn thành đợt đánh giá đầu tiên về chương trình cho vay trị giá 15,6 tỷ USD dành cho Ukraine, theo đó cho phép Chính phủ Ukraine ngay lập tức rút 890 triệu USD để hỗ trợ ngân sách nước này. Dự kiến, đến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới, IMF sẽ tiến hành đánh giá đợt tiếp theo đối với chương trình cho vay dành cho Ukraine.