Văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an được ban hành và lấy ý kiến trong tháng 06/2023
Chính sách - Ngày đăng : 23:14, 30/06/2023
Nghị định về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô
Ngày 26/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, thí điểm việc đấu giá biển số xe ô tô trong 3 năm.
Ảnh minh họa. |
Niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá biển số xe ô tô
Theo Nghị định, Bộ Công an chuyển danh sách biển số xe ô tô đưa ra đấu giá cho tổ chức đấu giá tài sản, đồng thời thông báo công khai danh sách, kế hoạch tổ chức đấu giá biển số xe ô tô (bao gồm: Danh sách biển số xe ô tô đưa ra đấu giá; Giá khởi điểm, bước giá và tiền đặt trước; Hình thức, phương thức tổ chức đấu giá; Thời gian tổ chức đấu giá; Xử lý tình huống đấu giá (nếu có) và các nội dung khác có liên quan) trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, có đường dẫn đến Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.
Tổ chức đấu giá tài sản thông báo công khai danh sách biển số xe ô tô đưa ra đấu giá trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và niêm yết tại trụ sở. Quy chế đấu giá phải được niêm yết, thông báo công khai trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến, trụ sở của tổ chức đấu giá tài sản; Thời gian thông báo công khai, niêm yết, Quy chế đấu giá, danh sách biển số xe ô tô đưa ra đấu giá ít nhất 30 ngày trước ngày tổ chức phiên đấu giá. xem thêm...
Quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm trong chuẩn bị trưng cầu giám định
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao vừa hoàn thành dự thảo Thông tư liên tịch quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm trong hoạt động trưng cầu giám định tư pháp về hình sự để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Thông tư liên tịch quy định đối với người trưng cầu giám định: Ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, giám định lại, giám định bổ sung, căn cứ yêu cầu xử lý vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật, nếu chứng cứ, tài liệu đã thu thập chưa đủ để làm rõ những vấn đề phải chứng minh, xét thấy cần thiết phải trưng cầu giám định để có kết luận chuyên môn về những vấn đề có liên quan thì ra quyết định trưng cầu giám định...
Đối với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp: Cung cấp thông tin cho người trưng cầu giám định biết những lĩnh vực, chuyên môn được giám định; Cá nhân, tổ chức giám định trao đổi trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của người trưng cầu giám định để thống nhất về nội dung trưng cầu, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần cung cấp, thời hạn giám định. xem thêm...
Ảnh minh họa. |
Lấy ý kiến đối với Hồ sơ dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các lực lượng xã hội tham gia lĩnh vực PCCC và CNCH; thống nhất giữa các văn bản pháp luật về PCCC, CNCH và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Bộ Công an dự thảo hồ sơ dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, xuất phát từ yêu của thực tiễn, Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật PCCC và CNCH tập trung giải quyết đối với 02 nhóm chính sách gồm:
Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bổ sung nội dung quy định về CNCH vào Luật PCCC nhằm đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; Bổ sung một số quy định về PCCC và CNCH phù hợp (như quy hoạch hạ tầng PCCC và CNCH, nghiệm thu PCCC, kiểm tra an toàn PCCC,…) phù hợp với thực tiễn.
Ảnh minh họa |
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về PCCC và CNCH khắc phục những hạn chế, bất cập của của pháp luật về PCCC, CNCH; hoàn thiện hành lang pháp lý về PCCC và CNCH và thống nhất giữa các văn bản pháp về PCCC, CNCH, các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Chính sách 2: Quy định phân công trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
Thực hiện phân công, phân cấp gắn đảm bảo các nguyên tắc về phân công, phân cấp trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan. Trong đó, có quy định cụ thể về nội dung phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương. Quy định rõ cơ chế, nguyên tắc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với Bộ Công an trong quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. xem thêm...
Dự thảo Thông tư tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an gồm 03 Chương và 25 Điều để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Theo đó, Thông tư này quy định việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của lực lượng Công an nhân dân.
Ảnh minh họa. |
Dự thảo thông tư quy định cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, gồm: Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp giúp Bộ trưởng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an. Phòng Cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an là đơn vị trực tiếp giúp Cục trưởng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Phòng Tham mưu; các phòng có chức năng giải quyết thủ tục hành chính Công an các đơn vị, địa phương là đơn vị trực tiếp giúp Thủ trưởng, Giám đốc Công an các đơn vị, địa phương tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an trên địa bàn.xem thêm...
Dự thảo quy định kiểm định nước thải trong hoạt động kiểm định môi trường
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm định nước thải, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định kiểm định nước thải trong hoạt động kiểm định môi trường phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát môi trường gồm 03 Chương 22 Điều để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định về kiểm định nước thải trong hoạt động kiểm định môi trường phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát môi trường bao gồm thu mẫu, đo kiểm tại hiện trường, kiểm định mẫu nước thải, điều kiện chuyên môn của cán bộ kiểm định, bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong kiểm định nước thải theo một quy trình nhất định nhằm tìm ra mức độ vượt ngưỡng của các thông số môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải.
Việc xác định điểm thu mẫu, dự thảo Thông tư quy định: Điểm thu mẫu nước thải được chọn tại họng xả thải (cửa xả ra môi trường). Chọn một vị trí tại họng xả thải làm điểm thu mẫu sao cho tại đó: có dòng chảy rối, dòng nước thải hòa trộn đều, dễ tiếp cận, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị lấy mẫu. Nếu vị trí dự kiến chọn làm điểm thu mẫu không bảo đảm an toàn thì phải loại bỏ và chọn vị trí khác sao cho bảo đảm an toàn.
Ảnh minh họa. |
Việc lấy mẫu phải có mặt chủ nguồn thải hoặc người đại diện của cơ sở có nguồn thải. Trường hợp chủ nguồn thải hoặc người đại diện vắng mặt hoặc không hợp tác thì trưởng đoàn công tác có trách nhiệm lập biên bản về sự vắng mặt hoặc không hợp tác và phải có người chứng kiến việc lấy mẫu; Trước khi lấy mẫu phải cho chủ nguồn thải hoặc người đại diện của cơ sở có nguồn thải hoặc người chứng kiến thấy dụng cụ lấy và chứa mẫu đảm bảo sạch, các dụng cụ và hóa chất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu. Chụp ảnh hoặc quay phim về điểm thu mẫu và hoạt động thu mẫu.xem thêm...