Tầm nhìn dài hạn cho ngành hàng cà phê
Đắk Nông hiện có khoảng 137.683 ha cà phê, sản lượng ước đạt trên 330.000 tấn, đứng thứ 3 Tây Nguyên về diện tích. Ngành hàng cà phê chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Vẫn yếu ở nhiều khâu
Là một trong những cây trồng chủ lực, song vai trò, vị thế của ngành hàng cà phê Đắk Nông đang khá mờ nhạt trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng. Theo phân tích sơ bộ, phân khúc của ngành hàng cà phê Đắk Nông vẫn chủ yếu là xuất khẩu với gần 90% sản lượng. Số còn lại là tiêu thụ ở thị trường bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, sản lượng cà phê xuất khẩu hiện chủ yếu ở dạng sản phẩm thô, mới qua công đoạn sơ chế nên giá trị kinh tế thu về chưa cao.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao, với lợi thế nguyên liệu đầu vào lớn, những hoạt động chế biến sâu ngành hàng cà phê tại Đắk Nông vẫn chưa phát triển. Chưa có nhiều các thương hiệu sản phẩm cà phê Đắk Nông bước ra thị trường quốc tế dạng như Trung Nguyên, Mê Hy Cô…
Trước hết, khâu yếu ở đây được nhận định là trong sản xuất cà phê ở Đắk Nông vẫn đa phần có quy mô, diện tích nhỏ lẻ. Diện tích cà phê sản xuất theo hướng trang trại chỉ chiếm khoảng 2,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Toàn tỉnh mới có khoảng 18.700 ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Trong đó, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP có 570 ha; tiêu chuẩn hữu cơ 70 ha; tiêu chuẩn 4C, UTZ, Flo trên 19.756 ha.... Phần lớn các nông hộ và trang trại đều sản xuất cà phê theo tập quán, kinh nghiệm là chính.
Sản xuất cà phê của Đắk Nông chủ yếu dựa vào thị trường ngắn hạn, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Chính vì vậy, trong khâu sản xuất thường chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài như giá cả, thiên tai, dịch bệnh…
Chưa kể, để tăng giá trị ở những phân khúc thị trường tiềm năng, các yếu tố về đồng giống, diện tích, đầu vào sản xuất, kỹ thuật canh tác ở ngành hàng cà phê Đắk Nông chưa được đánh giá cao. Diện tích cà phê sản xuất theo chuỗi giá trị mặc dù có tăng trong những năm gần đây nhưng đang khá khiêm tốn và thiếu chiến lược phát triển dài hạn.
Kịch bản dài hạn cho cây chủ lực
Không chỉ cây cà phê, nhiều cây trồng khác ở Đắk Nông trong tương lai gần sẽ thu hẹp về diện tích. Vì vậy, xây dựng một kịch bản cho các ngành hàng với giá trị kinh tế cao hơn là cần thiết để bảo đảm phát triển bền vững và ổn định.
Phân tích cho thấy, sản lượng cà phê qua sơ chế của Đắk Nông tăng bình quân 13% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020; đồng thời, sản lượng sơ chế đạt trên 90% tổng sản lượng cà phê của tỉnh. Tỉnh cũng đã thu hút được các nhà máy sơ chế quy mô công nghiệp, ví dụ nhà máy Intimex Đắk Nông với công suất 120.000 tấn một năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương đã tiến hành chế biến cà phê rang, cà phê bột, tổng sản lượng cà phê qua chế biến sâu đạt 1.700 tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, so với Tây Nguyên, cà phê Đắk Nông vẫn chưa thực sự nổi bật và khác biệt, đặc biệt khi so sánh với Đắk Lắk.
Tại bản phân tích của các chuyên gia trong đồ án quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông sẽ chế biến sâu khoảng 11.000 tấn các mặt hàng cà phê, mắc ca, đưa tổng giá trị lên mức 1.100 tỷ đồng .
Về cà phê thô, dự kiến đến năm 2030, theo quy hoạch, diện tích đất trồng cà phê sẽ giảm từ 130,46 nghìn ha xuống còn 122,5 nghìn ha. Giả sử năng suất cà phê tăng 10% trên toàn tỉnh, đến năm 2030, Đắk Nông có thể cung cấp khoảng 320 nghìn tấn cà phê cho chế biến sơ cấp. Để tận dụng tối đa lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, tỉnh Đắk Nông cần đảm bảo xây dựng nhà máy với công suất chế biến đáp ứng được sản lượng đầu vào.
Một kịch bản đặt ra cho ngành hàng cà phê mà các chuyên gia đã chỉ ra đó là tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp để tăng gia giá trị sản phẩm.
Với diện tích đất đai hạn chế và định hướng tập trung vào các trụ cột khai khoáng và năng lượng trong thập kỷ tới, ngành nông nghiệp Đắk Nông nói chung, cây cà phê nói riêng sẽ không thể phát triển được nếu chỉ dựa vào diện tích đất đai phân bổ lớn hơn do quỹ đất sẽ phải dành cho hai trụ cột trọng tâm. Vì vậy, cải thiện giá trị trên mỗi ha đất nông nghiệp là một trong những giải pháp tỉnh đang tính tới cho các cây trồng chủ lực.
Đối với cà phê, việc đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng hàm lượng chế biến cho ngành hàng cà phê, xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường là những vấn đề cần phải có lộ trình cụ thể ngay từ bây giờ.
Đặc biệt, vấn đề quy hoạch vùng trồng, xây dựng các vùng chuyên canh để đồng nhất về điều kiện thổ nhưỡng, giống, chăm sóc, thu hái cũng cần được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời gian tới.
Bởi vì, xu hướng trên thế giới về “sản phẩm một xuất xứ” đang khá rõ nét. Các công ty nổi tiếng trên thế giới đang phát triển mạnh các dòng hàng cao cấp, nhấn mạnh yếu tố “một xuất xứ”. Điều này nhằm giải quyết quan ngại của người tiêu dùng về nguồn gốc thực phẩm, thương mại bình đẳng và tạo ra các sản phẩm có mối liên kết với một vùng miền cụ thể
Viết cho cà phê Đắk Nông những “câu chuyện”
Khi đã giải quyết được bài toán về chất lượng, số lượng cung ứng, người trồng cà phê Đắk Nông cũng cần quan tâm viết cho ngành hàng cà phê của mình những “câu chuyện”.
Bởi bất cứ một ngành hàng nào, để đi vào lòng người tiêu dùng, đằng sau đó có những câu chuyện dạng như một số doanh nghiệp hiện đang làm. Bởi khi bỏ tiền ra mua một sản phẩm cao cấp, người tiêu dùng không chỉ đơn thuần mua sản phẩm đó, mà còn mua cả câu chuyện đằng sau nó.
Các chuyên gia lấy ví dụ, Damaca Nguyên Phương đã tạo ra tiếng vang sau khi xuất hiện trên chương trình truyền hình Shark Tank, kể câu chuyện về gia đình là người trồng mắc ca đầu tiên trên Đắk Lắk và quá trình cô mày mò tìm hiểu phương thức chế biến. Cà phê Cầu Đất (Đà Lạt) đã xuất hiện trong chuỗi cửa hàng Starbucks toàn cầu, một phần có thương hiệu là nhờ mô hình kết hợp sản xuất với tour du lịch tham quan vườn, nhà máy và cửa hàng cà phê để kể về quá trình hạt cà phê được chăm sóc kỹ lưỡng từ vườn đến tay người tiêu dùng… Đây là hình thức trực quan nhất nhằm tạo dựng thương hiệu đáng tin cậy cho nông sản.
Hiện nay, nhận diện thương hiệu nông sản Đắk Nông còn hạn chế, ngay cả ở thị trường nội địa. Mặc dù việc tạo thương hiệu cho ngành hàng cà phê là ưu tiên thứ hai sau khi đã đảm bảo năng suất nông sản chất lượng cao, việc có định hướng xây dựng thương hiệu và định hướng thị trường tiềm năng sẽ giúp Đắk Nông tận dụng cơ hội kinh tế từ các nỗ lực sản xuất và chế biến ngành hàng cà phê hiện tại.
Khi ngành hàng cà phê có những câu chuyện đại loại về quy trình sản xuất hay cam kết của chất lượng, an toàn thực phẩm, sản xuất vi sinh, từ nông trại đến người tiêu dùng… sẽ là bộ nhận diện vô hình cho chính sản phẩm, tạo nên sự khác biệt quyết định đến việc lựa chọn của thị trường.
Vậy ai sẽ là người chắp bút viết nên câu chuyện này?. Đó không ai khác, chính là những người trong cuộc, có thể là người trồng cà phê, người sáng lập hoặc các chuyên gia, doanh nghiệp viết nên đề án cho sản phẩm của mình. Đây cũng là một hướng đi mang tính dài hạn trong xu thế đòi hỏi của ngành hàng này là tạo sự riêng biệt, vượt trội để đứng vững trên thị trường cà phê thế giới trong những năm tới.