Kinh tế

Đắk Nông làm gì để nâng cao chất lượng cà phê nhân?

Lê Dung 30/06/2023 07:30

Là một trong 3 địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, Đắk Nông đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nói chung và cà phê nhân nói riêng.

Khâu thu hoạch là cốt lõi

HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông (Đắk Song) hiện có trên 100 ha cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngay từ ngày thành lập, các xã viên đã có những cách làm cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.

“Thu hoạch, sơ chế, bảo quản là 3 khâu quan trọng nhất để quyết định chất lượng sản phẩm cà phê nhân”.

Ông Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông

Theo đó, khi thu hoạch, bà con xã viên thường lựa trái chín, loại bỏ hạt sâu, hạt lép và những tạp chất. Tiếp đó sẽ sử dụng lao động thủ công hoặc máy móc để lựa chọn tỷ lệ trái chín cao nhất có thể.

Toàn bộ sản phẩm sau đó sẽ được đem phơi chậm bằng cách lót bạt 2 lớp (với sân nền đất) hoặc 1 lớp (với sân bê tông). Khi phơi, hạt cà phê luôn ở nhiệt độ còn 12 độ, không phải 15 độ như thông thường. Điều này sẽ tránh mùi ẩm của đất bốc lên hạt cà phê khi phơi.

img_1057(1).jpg
Cà phê nhân sau khi rang tại HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông (Đắk Song)

Phơi khô xong, hạt cà phê sẽ được để nguyên vỏ cho vào bao ni lông. Bên ngoài sẽ có một lớp bao gai dứa cột chặt miệng lại, để tránh giao thoa không khí từ trong ra ngoài và ngược lại. Như vậy, hương vị của hạt cà phê sẽ được giữ nguyên, không bị ảnh hưởng.

“Mỗi năm, HTX thường tổ chức từ 5-6 lớp tập huấn cho bà con trước mỗi vụ thu hoạch. Theo đó, HTX sẽ hướng dẫn về cách thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản để cho ra sản phẩm tốt nhất”, ông Hùng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Chung, là một trong những người đầu tiên tham gia sáng lập HTX. Gia đình ông hiện đang canh tác 5 ha cà phê xen tiêu đạt chứng nhận hữu cơ.

Ông Chung chia sẻ, thu hái cà phê có tỷ lệ chín cao, được nắng, bảo quản tốt giúp nâng cao chất lượng cà phê nhân và bán được giá hơn. Tuy nhiên, sức ép mùa thu hoạch rất lớn, nhất là việc bảo vệ vườn cây khiến việc sơ chế, bảo quản bị xem nhẹ.

ca-phe-robusta-toan-hang(1).png
Khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản là 3 yếu tố quyết định tới chất lượng cà phê nhân của Đắk Nông

Ông mong muốn, các cấp ngành chức năng cần có những giải pháp, chính sách hỗ trợ hợp lý giúp bà con tiếp cận với các gói tín dụng để mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho công đoạn chế biến cà phê sau thu hoạch…

Công nghệ hỗ trợ chế biến sâu

Chất lượng sản phẩm cà phê nhân được nâng cao, vai trò của máy móc, công nghệ hỗ trợ trong quá trình sơ chế, chế biến rất quan trọng.

Năm nay, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức (Đắk Mil) sẽ được hỗ trợ 1 máy bắn màu, phân loại hạt cà phê đặc sản.

img_1051(1).jpg
Công nghệ sơ chế, chế biến tốt sẽ giúp nâng cao chất lượng cà phê nhân cho các doanh nghiệp

Cùng với nguồn vốn tự có 380 triệu đồng của đơn vị, chương trình khuyến công sẽ hỗ trợ thêm 300 triệu đồng để giúp doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất.

“Việc đầu tư thiết bị máy móc mới giúp sản lượng của cơ sở tăng lên gấp 4 lần so với trước đây. Độ chính xác khi phân loại hạt cà phê sẽ cao hơn so với cách làm thủ công”, bà Lương Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức chia sẻ.

Trước đây, để phân loại hạt cà phê chín, Công ty phải thuê 7 nhân công để lựa chọn thủ công. Được máy móc hỗ trợ, mỗi giờ, cơ sở sẽ phân loại được gần 2 tấn cà phê, chi phí sản xuất sẽ được giảm mạnh. Chất lượng hạt cà phê sau tuyển lựa được đánh giá cao.

img_0328(1).jpg
Cà phê nhân Robusta được rang theo công nghệ tiên tiến tại DNTN Toàn Hằng (Đắk R’lấp)

Tương tự, cà phê nhân Robusta thành phẩm của DNTN Toàn Hằng (Đắk R’lấp) được tuyển từ vùng nguyên liệu bền vững 4C – UTZ. Hạt cà phê đang được doanh nghiệp sản xuất thông qua phương pháp chế biến khô.

Sản phẩm được sàng lọc theo tiêu chuẩn xuất khẩu, với kích cỡ hạt đa dạng cho các loại sàng như: 14, 16, 18. Tất cả đều được tuân thủ quy trình lên men trong trái, phơi chậm và kiểm soát độ ẩm chặt chẽ.

Hạt cà phê nhân sau đó được đơn vị rang riêng biệt với quy trình rang được chuẩn hóa, thử nếm, rang chuẩn nhiệt độ bằng máy móc hiện đại. Qua đó nhằm giữ lại và đánh thức hương vị ngon nhất tiềm ẩn trong hạt cà phê.

“Ngoài thị trường trong nước, cà phê nhân chất lượng cao của doanh nghiệp đang được xuất khẩu đi các nước châu Âu. Nhờ công nghệ thu hái, sơ chế, chế biến, chất lượng của sản phẩm được nâng cao, giá trị kinh tế mang lại tốt hơn nhiều so với sản xuất thông thường”, ông Trương Công Toàn, chủ doanh nghiệp cho biết.

Theo kế hoạch phát triển cà phê đặc sản, đến năm 2025, Đắk Nông sẽ phát triển khoảng 1.000 ha cà phê đặc sản, với sản phẩm cà phê nhân chọn lọc đạt chuẩn hơn 500 tấn. Con số này vào năm 2030 là 2.000 ha và sản lượng tăng lên 1.500 tấn.

hhhh4-1-.jpg

Đây sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển bền vững ngành cà phê của tỉnh, vốn có diện tích, sản lượng đứng thứ ba cả nước.

Lê Dung