Mỹ lên kế hoạch tài trợ 2 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất xe điện
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:26, 29/06/2023
Dây chuyền sản xuất xe ôtô điện tại nhà máy của hãng General Motors ở Detroit, Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính phủ Mỹ ngày 28/6 cho biết đang xem xét đầu tư 2 tỷ USD nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất xe điện trong nước và hỗ trợ các nhà máy ôtô đang gặp khó khăn.
Khoản tài trợ này thuộc Chương trình Trợ cấp chuyển đổi sản xuất trong nước cho xe điện, lấy từ nguồn ngân sách dành cho Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA), đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt năm 2022.
Cụ thể, Văn phòng Công nghệ Phương tiện của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết các khoản trợ cấp sẽ được dùng để chia sẻ chi phí sản xuất các loại xe lai điện hybrid, plug-in hybrid và xe pin điện, xe chạy bằng năng lượng sạch, trong đó ưu tiên cho các dự án nâng cấp hoặc trang bị lại các nhà máy sản xuất gần đây đã ngừng hoạt động hoặc dự kiến sẽ sớm đóng cửa.
Mục tiêu của chương trình là duy trì các công việc hiện có, bao gồm cả số lượng công việc và tiền lương của nhân viên, tạo cơ hội làm việc trong ngành kinh tế mũi nhọn của Mỹ.
Ngoài ra, chương trình cũng hướng tới việc đẩy nhanh các khoản tài trợ và các khoản trợ cấp khác, để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi các nhà máy ôtô hiện có sang chế tạo xe điện.
Washington đang thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô nội địa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện, coi đây là một phần trong mục tiêu khử carbon cho nền kinh tế vào năm 2050.
Vào tháng 4/2023, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã đề xuất các quy tắc nhằm hiện thực hóa mục tiêu 2/3 số xe mới bán ra tại Mỹ vào năm 2032 là xe điện.
Tuy nhiên, mới đây Liên minh Đổi mới Ôtô (UAW), đại diện cho các hãng sản xuất xe lớn của Mỹ là General Motors, Stellantis NV, Toyota Motor) và một số hãng khác, đã lên tiếng chỉ trích đề xuất của EPA không hợp lý và không thể đạt được.
UAW cảnh báo một sự thay đổi quá nhanh có thể khiến hàng nghìn việc làm ở các bang công nghiệp ôtô như Michigan, Ohio, Illinois và Indiana gặp rủi ro./.