Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, mở rộng hợp tác quốc tế vượt qua thách thức

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:15, 29/06/2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), được tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc, theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, mở rộng hợp tác quốc tế vượt qua thách thức

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Thanh Giang)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Thanh Giang)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), được tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc, theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.

Tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần tăng cường quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Trung Quốc, cũng như mở rộng hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác quốc tế, cùng cộng đồng quốc tế vượt qua thách thức, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Tăng cường tin cậy, hợp tác ổn định

Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát huy ưu thế địa lý và sự bổ sung lẫn nhau để đẩy mạnh hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh, bền vững, lâu dài với Trung Quốc luôn là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

– Thủ tướng Phạm Minh Chính

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc. (Ảnh: VGP)

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có cuộc hội đàm trong không khí chân thành, hữu nghị vả cởi mở. Hai nhà lãnh đạo Chính phủ thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, đi sâu trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước và đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc cụ thể hóa các thành quả và nhận thức chung cấp cao trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2022, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Cùng triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, nhất là đẩy mạnh giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa hai Chính phủ, giữa Quốc hội và Nhân đại, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.

Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc trong sự phát triển lâu dài của quan hệ Trung-Việt.

- Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chiều 27/6, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc. (Ảnh: Thanh Giang)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chiều 27/6, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc. (Ảnh: Thanh Giang)

Các nhà lãnh đạo hai nước đặc biệt đề cao việc phát huy vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trong việc điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như ngoại giao, quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực và giao lưu hữu nghị giữa các địa phương và các đoàn thể nhân dân; xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển; tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai nước tăng cường hợp tác, với trọng tâm là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu; trao đổi kinh nghiệm về quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ; hợp tác về trồng trọt, chế biến nông sản, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ; sớm ký kết Thỏa thuận tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn hai nước tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ, đường biển, tiến tới nghiên cứu phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao kết nối hai nước, khôi phục toàn diện các chuyến bay thương mại, tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công-Lan Thương, cũng như thực hiện tốt Hiệp định hợp tác giáo dục và triển khai các suất học bổng dành cho Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Tổng Cục Quản lý Giám sát thị trường Trung Quốc. (Nguồn: Tổng cục Quản lý thị trường)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Tổng Cục Quản lý Giám sát thị trường Trung Quốc. (Nguồn: Tổng cục Quản lý thị trường)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hải Khẩu (Hải Nam), qua đó, phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng chứng kiến lễ ký và công bố ba văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước trên các lĩnh vực: quản lý xuất nhập cảnh; giám sát thị trường, xây dựng cửa khẩu thông minh; nghiên cứu quản lý môi trường biển trong Vịnh Bắc Bộ.

Tại các cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất trí duy trì phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương nhất quán kiên trì chính sách “một Trung Quốc”, ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò ngày càng quan trọng và tích cực trong khu vực và trên thế giới; đề nghị hai bên tăng cường phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEM, ASEAN...

Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu hợp tác thực chất, không ngừng làm phong phú nội hàm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Thủ tướng Lý Cường chủ trì Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Lý Cường chủ trì Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Các nhà lãnh đạo hai nước cũng đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, qua đó, khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

Từ đó, hướng tới giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF. (Ảnh: WEF)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF. (Ảnh: WEF)

Đặt người dân là trung tâm của mục tiêu phát triển

Tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, cùng hơn 1.400 đại biểu là lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên khai mạc Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF và các phiên thảo luận của Hội nghị.

Phát biểu tại Phiên thảo luận với chủ đề Đương đầu với các cơn gió ngược: khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ ý kiến và đề xuất định hướng hợp tác ứng phó và vượt qua thách thức toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập sáu “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, bao gồm:

  • Suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn;
  • Hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài;
  • Cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ;
  • Các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu;
  • Các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài;
  • Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF. (Ảnh: VGP)

Để đương đầu với các “cơn gió ngược”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cao cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và nêu bật sáu định hướng, bao gồm:

  • Tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là chủ thể, là trung tâm, vừa là động lực, là mục tiêu cho phát triển;
  • Tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm. Theo đó, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển;
  • Tìm kiếm giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực;
  • Không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trợ sự phát triển của toàn cầu;
  • Sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột;
  • Tăng cường hợp tác công-tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch WEF Borge Brende ký kết Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch WEF Borge Brende ký kết Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong quá trình chống dịch và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng khẳng định: Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế và nhân lực, với quan điểm xuyên suốt là không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Thủ tướng cam kết Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp quốc tế, trong nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tại Phiên thảo luận, lãnh đạo Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới đã đánh giá về tình hình kinh tế thế giới và giải pháp tận dụng hiệu quả các cơ hội để khởi động lại tăng trưởng. Các diễn giả nhấn mạnh tăng cường liên kết, tránh phân mảnh, phân tách, phân rã giữa các nước, hạn chế bảo hộ, hướng nội. Các diễn giả cũng khẳng định các nước cần tăng cường huy động các nguồn vốn đa dạng cho phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sự tham dự và đóng góp của Việt Nam tại hội nghị mang đến câu chuyện phục hồi kinh tế lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức.

– Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF. (Ảnh: VGP)

Chủ tịch điều hành WEF chúc mừng và hoan nghênh kết quả phục hồi kinh tế-xã hội và duy trì ổn định vĩ mô của Việt Nam. Giáo sư Klaus Schwab cũng bày tỏ ấn tượng mạnh về sự năng động của thế hệ trẻ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, cho rằng đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Chủ tịch điều hành khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đề xuất và triển khai các dự án hợp tác thực chất, phù hợp với sự quan tâm của Việt Nam và thế mạnh của WEF.

Nhân dịp này, Giáo sự Klaus Schwab đã trân trọng mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn WEF tháng 01/2024 tại Davos. Thủ tướng Chính phủ cũng mời Giáo sư Klaus Schwab và các nhà lãnh đạo WEF sớm thăm Việt Nam, dành thời gian phát biểu và truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam về những xu thế phát triển mới của thế giới. Hai bên nhất trí sẽ thu xếp các chuyến thăm trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị WEF tại Thiên Tân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab và cùng chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch WEF Borge Brende ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026. Chương trình hợp tác với WEF giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực, kinh nghiệm cũng như tham gia các chương trình toàn cầu của WEF, qua đó, thiết lập hệ sinh thái đồng bộ để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

MOU Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-WEF trong giai đoạn mới, tập trung vào sáu lĩnh vực trọng tâm. (Ảnh: VGP)

MOU Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-WEF trong giai đoạn mới, tập trung vào sáu lĩnh vực trọng tâm. (Ảnh: VGP)

Trọng tâm hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026:

  • Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm;
  • Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh;
  • Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng không;
  • Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP);
  • Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo;
  • Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Bên lề Hội nghị WEF tại Thiên Tân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene và Thủ tướng Barbados Mia Mottley nhằm thúc đẩy hợp tác song phương và tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.

Tại các cuộc trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng và tiếp tục tạo điều kiện, khuôn khổ thuận lợi để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch… với các nước, mong muốn duy trì hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc.

Các nhà lãnh đạo đặc biệt đánh giá cao Việt Nam, với vị thế, uy tín quốc tế ngày càng lớn mạnh trong khu vực và trên thế giới, đồng thời, là một trong những đầu tàu kinh tế quan trọng của châu Á.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Barbados Mia Mottley. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Barbados Mia Mottley. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai. (Ảnh: Nhật Bắc)

Item 1 of 3

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Barbados Mia Mottley. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Barbados Mia Mottley. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai. (Ảnh: Nhật Bắc)

Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng

Trong khuôn khổ Hội nghị WEF, phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF với chủ đề: Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước là hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được WEF tổ chức, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu về phục hồi kinh tế và đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cũng như trao đổi về định hướng, chính sách và môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ những tác động của nền kinh tế thế giới, do là nền kinh tế có độ mở cao. Song, trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam đã ứng phó hiệu quả với những rủi ro, thách thức từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng, củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy triển khai ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Chia sẻ với WEF và các doanh nghiệp về những lợi thế của Việt Nam, Thủ tướng đề nghị WEF và các thành viên tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị hiện đại.

Cần tìm giải pháp tốt nhất để các nhà đầu tư có điều kiện cống hiến cho phát triển quan hệ hai nước, đặc biệt là đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.

– Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF. (Ảnh: WEF)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF. (Ảnh: WEF)

Lãnh đạo WEF và các đại diện doanh nghiệp đánh giá cao thành tựu phục hồi và triển vọng kinh tế Việt Nam, đồng thời, nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó có nhiều chính sách theo hướng gỡ khó, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Với các chính sách, biện pháp quyết liệt của Chính phủ để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài.

Nhân dịp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã phối hợp Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam-Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh. Diễn đàn là cơ hội để hai bên đưa ra định hướng, giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, cơ quan và hơn 350 doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung tại Diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung tại Diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

Tại Diễn đàn, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước giới thiệu tình hình phát triển kinh tế; môi trường đầu tư, kinh doanh; chính sách thu hút đầu tư; chia sẻ bài học, kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước. Các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện với nhiều chính sách thông thoáng; trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thì Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung nêu rõ, Trung Quốc sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, hợp tác đầu tư, kinh doanh; ưu tiên phát triển xanh, kinh tế số, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thực lực, danh tiếng và công nghệ cao đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để giảm chi phí, nâng chất lượng, nâng cao hiệu quả cho đầu tư tại Việt Nam. Nhằm thúc đẩy thương mại song phương, Thủ tướng hoan nghênh việc nâng cấp các cửa khẩu giữa hai nước, sớm triển khai và nhân rộng mô hình cửa khẩu thông minh, xây dựng cửa khẩu thông minh giữa Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã dành thời gian tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc, như Chủ tịch Tập đoàn Texhong, Chủ tịch Tập đoàn Runergy, Chủ tịch Tập đoàn Energy China, Chủ tịch Tập đoàn GOERTEK, Tổng Giám đốc điều hành TCL,… đại diện những tập đoàn đang đầu tư lớn và mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Tại các cuộc tiếp, lãnh đạo các tập đoàn đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển năng động của Việt Nam, đồng thời, mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, bến cảng thủy nội địa, sản xuất ô tô, nghiên cứu phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam...

Chúc mừng về kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các doanh nghiệp đã lựa chọn Việt Nam để mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tin tưởng, đầu tư lâu dài, nhất là khi Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính.

Là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên sau 7 năm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển tải thông điệp về quyết tâm thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đưa hợp tác hai nước tiếp tục sâu sắc và hiệu quả.

Hoạt động tham gia và chia sẻ ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị WEF ở Thiên Tân, cũng như tại các cuộc trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, với cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục khẳng định Việt Nam đóng góp chủ động và có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Qua đó, quảng bá hình ảnh Việt Nam phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực, luôn chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách quốc tế.

Đọc thêm:

>>>Tri thức chuyên sâu Việt Nam-Trung Quốc

>>> Tâm điểm: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị WEF

Ngày xuất bản: 29/6/2023
Chỉ đạo thực hiện:CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung:NINH SƠN - VŨ PHONG
Trình bày: HOÀNG HÀ

Trở về nhandan.vn

TopShorthand logoBuilt withShorthand