Cây di sản trăm tuổi ở đảo Sinh Tồn
Đảo Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vốn khắc nghiệt về cả thời tiết và thổ nhưỡng, thế nhưng khi đến với đảo, nhiều người đã bất ngờ với hệ thống cây xanh ở đây, đặc biệt là mù u tuổi đời trên 100 năm.
Tài sản quý giá
Năm 2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp UBND huyện Trường Sa đã tổ chức lễ công nhận Cây di sản Việt Nam cho 4 cây tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong số này có cây mù u thuộc đảo Sinh Tồn.
Cây mù u có chiều cao khoảng 20m, tán rộng khoảng 6m. Các nhà khoa học đánh giá, cây có tuổi đời hơn 100 năm, gắn liền với lịch sử khai phá, phát triển của người dân Việt Nam trên đảo. Từ nhiều năm qua, cây được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt như một tài sản quý giá đối với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo.
Theo những người dân sinh sống trên đảo, cây mù u bắt đầu ra hoa vào khoảng tháng 5 hàng năm, nở rộ nhất là vào tháng 6 và tháng 7. Hoa mù u kết thành từng cụm, có màu trắng và mùi thơm đặc trưng nên thường thu hút người dân, đặc biệt là trẻ em trên đảo tới chơi.
“Thời điểm mù u ra hoa cũng là lúc học sinh trên đảo nghỉ hè, các cháu thường đến dưới gốc cây để vui đùa. Trước đây rất nhiều cháu tò mò về cây này, bởi trên đảo rất hiếm cây to lớn đến vậy nhưng kể từ khi được công nhận là Cây di sản Việt Nam, các cháu đã hiểu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của cây mù u tại đảo”, người dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn cho hay.
Trung tá Hoàng Đức Chiến, Phó đảo Sinh Tồn cho biết, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo. Tất cả các cây đều được chăm sóc cẩn thận, đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt nhất. Riêng cây mù u có tuổi đời trên 100 năm là một “tài sản” quý giá của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.
“Việc chăm sóc cây di sản đối với chúng tôi là một phần trách nhiệm nhưng cũng là một niềm vinh dự và tự hào. Cây mù u là cây di sản, đồng thời cũng là một cột mốc chủ quyền, khẳng định quá trình phát triển của đảo Sinh Tồn cũng như quần đảo Trường Sa của Việt Nam”, Trung tá Hoàng Đức Chiến cho hay.
“Cột mốc” giữa biển khơi
Anh Nguyễn Thanh Long (Khánh Hòa) cho biết, khi đặt chân lên đến đảo Sinh Tồn, anh và mọi người rất ấn tượng về những hàng phi lao và bàng vuông mang lại màu xanh tươi mát. Trong khi tìm hiểu đời sống của quân và dân tại đảo, nhiều người càng bất ngờ hơn vì sự hiện diện của cây mù u trăm tuổi.
“Trước đây tôi đã nghe về cây mù u nhưng chưa được tận mắt cây này. Khi tới đảo, được dẫn tới thăm và giới thiệu chi tiết về cây, chúng tôi rất xúc động như đứng trước cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc” anh Nguyễn Thanh Long xúc động.
“Đúng như tên đảo Sinh Tồn, cây mù u và rất nhiều cây khác đã sinh trưởng một cách kiên cường trước muôn trùng biển khơi. Không chỉ là cây mù u trăm tuổi, sau chuyến thăm quân và dân trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi sẽ nhớ mãi những không gian xanh quý giá nơi đây” anh An Văn Hảo, tỉnh Sơn La chia sẻ.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, trong thời gian đầu đặt chân lên đảo, triều đình nhà Nguyễn cho trồng rất nhiều cây với mục đích thu hút các loài chim biển tới trú ngụ, từ đó lấy phân để làm thuốc nổ. Trải qua hàng trăm năm, những cây xanh cổ thụ còn sống và phát triển ở Trường Sa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Việc công nhận cây di sản ở Trường Sa vừa khẳng định ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, giáo dục truyền thống vừa là sự khẳng định sự có mặt của người Việt trên đảo Trường Sa từ rất sớm.