Thúc đẩy hợp tác truyền thông Mekong-Lan Thương
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:01, 28/06/2023
Các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận về chủ đề "Thúc đẩy phục hồi kinh tế, hợp tác cùng có lợi". (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Sự kiện do Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 130 đại biểu là đại diện các hãng truyền thông, báo chí lớn của 6 quốc gia trong cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương gồm Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Phía Việt Nam có đại diện Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Truyền hình Quốc hội.
Phát biểu ý kiến khai mạc, ông Lý Thư Lỗi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương trong thúc đẩy giao lưu, hợp tác cởi mở, bao trùm, cùng có lợi giữa các quốc gia trong lưu vực, nhất là những kết quả thiết thực trong các lĩnh vực như kinh tế-thương mại, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh… mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, thịnh vượng ở khu vực.
Ông Lý Thư Lỗi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phát biểu khai mạc. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Ông Lý Thư Lỗi đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tăng cường nhận thức, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy giao lưu nhân dân các quốc gia trong cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương; đồng thời, bày tỏ hy vọng các cơ quan báo chí chính thống của 6 nước cùng chung tay hợp tác, tìm ra phương thức hiệu quả, nhằm phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương trên các lĩnh vực.
Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, thay mặt Đoàn đại biểu Báo Nhân Dân, ông Vũ Mai Hoàng, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân Cuối tuần khẳng định, hợp tác Mekong-Lan Thương đã trở thành một cơ chế hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị giữa 6 nước thành viên.
Trong đó, cần tăng cường trao đổi và giao lưu nhân dân thông qua khôi phục và mở rộng hoạt động du lịch, hợp tác giữa các chính quyền địa phương và các chương trình văn hoá, thể thao, truyền thông, trao quyền phụ nữ và thanh niên là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước MLC, củng cố lòng tin và quan hệ láng giềng hữu nghị.
Đại diện Báo Nhân Dân phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Đại diện Báo Nhân Dân cũng nhấn mạnh, trong bất cứ lĩnh vực hợp tác nào, vai trò và quyền lợi thiết thực của người dân phải luôn được đề cao, người dân là trung tâm và chủ thể của sự phát triển. Việc triển khai các dự án hợp tác cần đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân và bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên.
Trong bất cứ lĩnh vực hợp tác nào, vai trò và quyền lợi thiết thực của người dân phải luôn được đề cao, người dân là trung tâm và chủ thể của sự phát triển.
Ông Vũ Mai Hoàng, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân Cuối tuần, Báo Nhân Dân
Với chủ đề "Thúc đẩy giao lưu nhân dân, hướng tới tương lai tốt đẹp", Hội nghị gồm phiên báo cáo đề dẫn và các phiên thảo luận về "Thúc đẩy phục hồi kinh tế, hợp tác cùng có lợi" và "Đi sâu hợp tác truyền thông, thúc đẩy giao lưu nhân dân".
Các đại biểu đã chia sẻ ý kiến, cùng nhau thảo luận về các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững, cùng có lợi, giao lưu nhân dân giữa các quốc gia Mekong-Lan Thương, nhất là phát huy vai trò báo chí-truyền thông trong khai thác tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực, tăng cường trao đổi, giao lưu, sự tin cậy lẫn nhau và tình hữu nghị giữa các quốc gia, chung tay ứng phó các thách thức, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Đại diện các cơ quan báo chí Việt Nam tham dự Hội nghị. |
Cũng tại Hội nghị, chương trình nghiên cứu thực tế truyền thông Mekong-Lan Thương kéo dài hơn 1 tuần đã được khởi động, thu hút sự tham gia của hơn 40 phóng viên các cơ quan báo chí của 6 quốc gia Mekong-Lan Thương.