Thương mại - Dịch vụ

Sầu riêng Đắk Nông rộn ràng xuất khẩu

Lê Dung 28/06/2023 14:02

Nhu cầu sầu riêng xuất khẩu tăng mạnh giúp nhiều doanh nghiệp Đắk Nông làm ăn thắng lợi, mạnh dạn đầu tư chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhu cầu tăng vọt

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Yến Nhi (Tuy Đức) đang tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu.

sau-rieng-yen-nhi(1).jpg
Sầu riêng được cấp đông tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Yến Nhi (Tuy Đức)

Mỗi ngày, Công ty sản xuất từ 5-10 tấn sầu riêng cấp đông, tăng 2-3 lần so với sản lượng của năm trước. “Năm nay được xem là năm có sự nhảy vọt lớn về sản lượng xuất khẩu của loại trái cây này”, ông Vũ Đình Chiện, đại diện Công ty cho biết.

Theo ông Chiện, Công ty đã đầu tư xây mới nhà xưởng với hơn 2.000m2. Công ty có gần 200 ha sầu riêng đã và đang được cấp mã vùng trồng. Mã đóng gói của Công ty cũng mới được cấp, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu chính ngạch.

Năm nay, thị trường xuất khẩu sầu riêng rộng hơn. Trong đó, sầu riêng tươi được Công ty xuất khẩu đi Thái Lan, sầu riêng cấp đông xuất đi Úc và Trung Quốc.

Tương tự, năm nay, sản lượng xuất khẩu sầu riêng của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) đã tăng 50% so với năm trước.

nghiep-xuan(1).jpg
Mỗi tháng, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) đang xuất khẩu 20 container sầu riêng trái tươi qua thị trường Trung Quốc

Mỗi tháng, Công ty xuất đi khoảng 20 container sầu riêng trái tươi và múi sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc. “Không chỉ sản lượng mà giá của sầu riêng xuất khẩu cũng tăng mạnh so với năm trước, với khoảng 20%”, bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty chia sẻ.

Báo cáo tháng 5 của Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, xuất khẩu quả sầu riêng tăng cao đột biến. Trong tháng 5, trị giá xuất khẩu trái cây này đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước.

Vẫn mạnh ai nấy làm

img_4924(1).jpg
Chất lượng sản phẩm sầu riêng xuất khẩu của Đắk Nông vẫn chưa ổn định

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù diện tích, sản lượng sầu riêng của Đắk Nông có tăng, nhưng chất lượng sản phẩm xuất đi các nước vẫn chưa cao

Bà Lầu Kiều Vân cho hay, hiện nay, chất lượng quả sầu riêng của Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa ổn định. Từ việc sản xuất, thu hái cho tới đóng gói… vẫn mạnh ai nấy làm.

Bà Vân cho rằng, vấn đề này hiện đang rất cần một đầu mối xây dựng một quy chuẩn, có hướng dẫn cụ thể, để không làm ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng chung.

“Sầu riêng bán ra của Việt Nam bao giờ cũng rẻ hơn sầu riêng của Thái Lan từ 10.000-20.000 đồng/kg. Một phần là do chất lượng sản phẩm chưa cao. Ngay cả cách làm cũng rất chộp giật", bà Vân cho biết.

Đắk Nông hiện có 6.139 ha sầu riêng, trong đó, có 2.039 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 22.281 tấn/vụ. Trên địa bàn tỉnh đã có 8 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, với 155 ha, sản lượng đạt trên 1.500 tấn/năm.

Sở NN-PTNT đang có các chương trình, dự án hỗ trợ cùng người dân, doanh nghiệp sản xuất sầu riêng theo chuỗi liên kết. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sầu riêng tiếp tục được đơn vị hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Điều này được kỳ vọng sẽ xây dựng, hình thành những vùng sản xuất sầu riêng tập trung cho Đắk Nông, để phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu.

sau-tho-minh(1).jpg
Cần có một quy chuẩn rõ ràng để xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam nói chung và Đắk Nông nói riêng khi tham gia xuất khẩu

Đắk Nông định hướng đến năm 2030 có khoảng 7.000 ha sầu riêng chất lương cao. Những diện tích này sẽ tập trung tại xã Đức Mạnh, Đức Minh (Đắk Mil), xã Đắk Nia (Gia Nghĩa).

Hiện nay, Sở NN-PTNT đã nhận 75 hồ sơ vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng, chủ yếu tại huyện Đắk R'lấp và Đắk Song. Ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn các bước thiết lập vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN& PTNT) cấp mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu.

Lê Dung