MINUSMA sẽ kết thúc nhiệm vụ hòa bình tại Mali vào ngày 30/6
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:20, 28/06/2023
Binh sỹ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) tuần tra ở Gao, Mali. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn một số nguồn tin ngoại giao ngày 27/6 cho biết Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) sẽ kết thúc sứ mệnh vào ngày 30/6.
Thông tin này được đưa ra trước cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về một dự thảo nghị quyết cho phép 13.000 binh sỹ của Phái bộ rút lui trong vòng 6 tháng sau thời hạn trên.
Việc kết thúc MINUSMA đã được lên kế hoạch sau nhiều năm quan hệ giữa Liên hợp quốc và chính quyền quân sự của Mali xấu đi. Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm trong tháng này khi Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop yêu cầu MINUSMA rời khỏi quốc gia của ông ngay lập tức.
Hoạt động của Phái bộ cũng đã bị đình trệ do các hạn chế của chính phủ Mali kể từ vào năm 2021.
MINUSMA được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ dân thường chống lại một cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Một số chuyên gia lo ngại tình hình an ninh ở Mali có thể trở nên tồi tệ hơn khi phái bộ Liên hợp quốc rời đi, khiến quân đội thiếu thốn vũ khí của quốc gia châu Phi này cùng với khoảng 1.000 binh sỹ của tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner, hiện đang hợp tác với chính phủ Mali, phải chống lại các chiến binh kiểm soát các vùng lãnh thổ ở sa mạc phía Bắc và miền Trung đất nước.
Theo bản dự thảo, MINUSMA sẽ có thời hạn đến ngày 31/12 để thực hiện một cuộc rút quân "có trật tự và an toàn," mà Hội đồng Bảo an sẽ xem xét trước ngày 30/10. Sau đó, nếu cần, hội đồng có thể "xem xét lịch trình sửa đổi trong cuộc thảo luận với Mali."
Các hoạt động của Phái bộ sẽ được giảm xuống để cung cấp an ninh cho nhân viên, cơ sở và đoàn xe của Liên hợp quốc. MINUSMA sẽ cung cấp dịch vụ sơ tán y tế cho nhân viên Liên hợp quốc.
Nhưng bản dự thảo cũng sẽ cho phép MINUSMA, cho đến cuối năm, có thể đối phó với các mối đe dọa bạo lực sắp xảy ra đối với dân thường và góp phần vào việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho chính quyền dân sự lãnh đạo một cách an toàn trong vùng lân cận của họ. Cụ thể về thời gian và địa điểm sẽ được quyết định với sự tham vấn của chính quyền Mali.
Nghị quyết do Pháp soạn thảo vẫn đang được thảo luận bởi 15 thành viên hội đồng, nhưng các nhà ngoại giao cho biết dự kiến sẽ không có thay đổi lớn nào trước cuộc bỏ phiếu dự kiến thông qua vào ngày 29/6.
Để được thông qua, nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của bất kỳ nước thành viên thường trực nào.
Người phát ngôn của MINUSMA cho biết: "Theo quyết định của Hội đồng Bảo an, Liên hợp quốc sẵn sàng làm việc với chính quyền Mali về kế hoạch rút lui của MINUSMA." Ông nói thêm rằng các cuộc thảo luận nội bộ đang được tiến hành./.