Chế độ giảm định mức tiết dạy khi kiêm nhiệm phó chủ tịch công đoàn
Chính sách - Ngày đăng : 07:59, 28/06/2023
Bà Nguyễn Thị Phương Ngát (Tây Ninh) là giáo viên chủ nhiệm lớp 3 bán trú, kiêm nhiệm công tác phó chủ tịch công đoàn (được giảm 2 tiết/1 tuần).
Đến tháng 1/2023, bà được thông báo trường nào có điểm trường lẻ thì phó chủ tịch công đoàn mới được giảm 2 tiết/1 tuần, còn các trường có 1 điểm thì phó chủ tịch công đoàn không được giảm tiết. Bà Ngát hỏi, áp dụng như vậy có đúng không?
Ngoài ra, trường bà tính số tiết thừa giờ như sau: 35 tiết - 23 tiết chuẩn của giáo viên chủ nhiệm - số tiết giáo viên chuyên dạy = Số tiết thừa. Nhưng nếu áp dụng cách tính 35 tiết - 20 tiết thực dạy - số tiết giáo viên chuyên dạy = Số tiết thừa, thì hai cách tính này có sự khác nhau. Bà Ngát hỏi, cách tính số tiết thừa nào đúng?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Việc xác định số tiết dạy thêm giờ của giáo viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC. Đối với những trường hợp thuộc đối tượng được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ thì số tiết dạy thêm giờ được xác định như sau:
Số tiết dạy thêm giờ/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm)
Trong đó, số giờ dạy quy đổi và số giờ dạy được giảm theo chế độ được thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT.
Theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT, giáo viên kiêm phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách ở các trường tiểu học (kể cả các trường có điểm trường lẻ hay các trường không có điểm trường lẻ) được giảm trừ 4 giờ trong một tuần.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT những trường hợp giáo viên kiêm nhiệm quá 2 chức vụ thì chỉ được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất.