Lịch sử Ngày Gia đình
Không chỉ ở Việt Nam, vai trò, tầm quan trọng của gia đình được quốc tế đề cao. Từ đây, hàng năm, quốc tế cũng như Việt Nam đã chọn ra một ngày nhằm tôn vinh, tổ chức các hoạt động để đề cao vai trò gia đình trong xây dựng xã hội bền vững.
Ngày Quốc tế Gia đình
Năm 1983, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 28, Hội đồng Kinh tế và Xã hội thông qua một nghị quyết (1984/23) về vai trò quan trọng của gia đình trong quá trình phát triển và đề cao việc hoàn thiện các chính sách liên quan đến gia đình.
Ngày 29/5/1985, trong nghị quyết 1985/29, Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã trình văn kiện lên Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét một mục mang tên "Các gia đình trong quá trình phát triển" nhằm phục vụ cho quá trình phát triển nhận thức toàn cầu liên quan đến những vấn đề về gia đình.
Trong lần họp kế tiếp ngày 7/12/1987, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 42/134, trong đó kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đưa ra ý kiến về việc chọn một ngày kỷ niệm quốc tế về gia đình.
Vào năm 1993, trong Nghị quyết 47/237, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình nhằm nâng cao nhận thức của chúng ta về các vấn đề gia đình và thúc đẩy các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách toàn diện về những vấn đề, sự kiện liên quan đến gia đình.
Ngày Quốc tế Gia đình diễn ra hàng năm là một cơ hội để đề cao và làm nổi bật tinh thần đoàn kết, tập hợp các gia đình vào chung một nỗ lực nhằm xây dựng tiêu chuẩn cuộc sống với chất lượng tốt hơn.
Những mục tiêu trọng tâm được đề ra trong Chương trình nghị sự 2030 hướng đến sự phát triển bền vững bao gồm: Chấm dứt cuộc sống đói nghèo, phát triển nền kinh tế ngày càng thịnh vượng, phát triển xã hội và nâng cao phúc lợi cho toàn bộ người dân, bảo vệ môi trường. Trong đó, gia đình vẫn đóng một vai trò chủ chốt đối với đời sống xã hội.
Đặc biệt, các chính sách lấy gia đình làm trọng tâm như việc đặt ra ngày Quốc tế Gia đình có thể đóng góp vào quá trình thực hiện hóa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, bổ trợ cho các mục tiêu xóa bỏ nghèo đói đồng thời đảm bảo sự khỏe mạnh và hạnh phúc cho từng thành viên đến từ mọi lứa tuổi, bảo đảm quyền lợi được học tập và hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới.
Ngày Gia đình Việt Nam
Tại Việt Nam, từ xa xưa, ông cha ta đã xem gia đình là “tế bào của xã hội’. Đặc trưng văn hóa gia đình, dòng họ, cố kết làng xã ở Việt Nam như càng tôn thêm vai trò của gia đình - yếu tố cốt lõi hình thành các nền tảng đạo đức xã hội, giáo dục nhân cách và lưu truyền, phát huy truyền thống, sức mạnh dân tộc.
Trải qua các giai đoạn lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước, gia đình đã khẳng định vai trò nền tảng trong giáo dục, lưu giữ, phát huy văn hóa truyền thống, sức mạnh đoàn kết dân tộc. Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc.
Để tôn vinh cũng như triển khai các hoạt động cụ thể trong phát huy vai trò gia đình, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam.
Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi có Ngày Gia đình Việt Nam, hàng năm, tùy vào thực tế, chúng ta đã triển khai các chủ đề phù hợp với mục tiêu khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong xây dựng, phát triển đất nước, giáo dục nhân cách con người và vì sự tiến bộ chung, toàn diện. Các chương trình hành động, phong trào như xây dựng gia đình văn hóa; bình đẳng giới, chống phân biệt, đối xử, bảo vệ, chăm sóc trẻ em… đã đi vào thực tiễn, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và toàn dân.
Ngày Gia đình Việt Nam hàng năm còn là dịp để mỗi gia đình Việt trân quý tổ ấm của mình, ra sức chăm lo, xây dựng "tế bào của xã hội" mạnh khỏe, toàn vẹn.