Đức, Pháp và Italy cam kết tăng hợp tác trong việc mua nguyên liệu thô

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:11, 27/06/2023

Đức, Pháp, Italy đẩy mạnh hợp tác ba bên trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon; cam kết tăng cường hợp tác trong việc mua nguyên liệu thô nhằm hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc.

Duc, Phap va Italy cam ket tang hop tac trong viec mua nguyen lieu tho hinh anh 1Một mỏ đất hiếm ở miền Tây Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp các bộ trưởng công nghiệp và kinh tế tại Berlin ngày 27/6 cho biết Đức, Pháp và Italy đã cam kết hợp tác nhiều hơn trong việc mua nguyên liệu thô, đánh dấu một giai đoạn hợp tác ba bên mới về chính sách công nghiệp châu Âu.

Phương Tây đang chạy đua để hạn chế sự phụ thuộc vào các nguyên liệu quan trọng của Trung Quốc sau căng thẳng Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp theo ở châu Âu đã phơi bày nguy cơ phụ thuộc vào một nước đối với các hàng hóa quan trọng.

Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào Trung Quốc để cung cấp khoảng 95% nguồn cung đất hiếm, mà đặc biệt quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

Cuộc họp ngày 27/6 đã kích hoạt một loạt cuộc họp ba bên để đưa ra các chính sách ứng phó để giải quyết "những thách thức của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh kép."

Trong một thông báo, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các nước không thể đảm bảo quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái nếu không thể giúp các công ty trong nước có được những nguyên liệu thô mà họ cần.

Ủy ban châu Âu (EC) trong tháng 3/2023 đã công bố một đề xuất có thể trở thành luật để thành lập một trung tâm thu mua đất hiếm và các vật liệu quan trọng khác như lithium.

Đạo luật Nguyên liệu quan trọng (CRMA) cũng sẽ buộc các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc cấp phép cho các mỏ và nhà máy chế biến mới.

Ông Le Maire cho biết đạo luật này là "bước đầu tiên quan trọng," nhưng các chính phủ cũng cần xác định hành động cụ thể đối với các dự án chiến lược và các vấn đề như kho dự trữ chung.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho hay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) nên dành quỹ để đầu tư trực tiếp vào các dự án châu Âu nhằm đảm bảo các nguyên vật liệu quan trọng.

Pháp và Italy cũng đã cung cấp dành lần lượt 500 triệu euro (546 triệu USD) và 1 tỷ euro cho các dự án đó.

Ông Robert Habeck cũng lưu ý cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào về vấn đề này trong liên minh ba bên.

Trong khi đó, các công ty công nghiệp hoan nghênh sự hợp tác giữa ba nước trên. Roberto Cingolani, giám đốc điều hành của công ty quốc phòng Italy Leonardo, bày tỏ vui mừng khi các quốc gia công nghiệp hóa nhất đang hợp lực để cung cấp cho các tổ chức châu Âu một cái nhìn toàn diện.

Enel, một trong năm nhà phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, đã nhân cơ hội này kêu gọi EU đưa polysilicon, một vật liệu quan trọng để sản xuất các tấm pin mặt trời, vào danh sách các nguyên liệu thô chiến lược.

Giám đốc điều hành Flavio Cattaneo cho biết CRMA cũng cần xác định "các yêu cầu đối với các dự án chiến lược và cung cấp cho họ các kênh ưu đãi về mặt ủy quyền và các công cụ tài chính phù hợp"./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)