Đất nước con người

H’oắt - tâm huyết gìn giữ, truyền dạy dân ca M’nông

Mỹ Hằng 26/06/2023 06:05

Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tây Nguyên, năm 2017, cô H'oắt (dân tộc Ê đê) nhận công tác tại Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Quảng Tín (Đắk R'lấp). Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô giáo H’oắt luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Là giáo viên ngữ văn, H’oát luôn cố gắng tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng giúp học sinh nắm được kiến thức trọng tâm của bài, tránh sự nhàm chán. Bên cạnh đó, cô giáo H’oắt cũng nghiên cứu và có nhiều sáng kiến dạy và học thiết thực như “Một số cách thức dạy học môn ngữ văn 8 tạo hứng thú cho học sinh theo định hướng phát triển năng lực”; “Giải pháp tránh nhàm chán trong tiết học văn cho học sinh trong mùa dịch Covid-19”.

Đặc biệt, Dự án “Giải pháp góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc bảo tồn và lưu truyền nét đẹp dân ca M’nông tại trường THCS Lương Thế Vinh” đoạt giải A cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, giải khuyến khích cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm học 2022-3023 và áp dụng hiệu quả thực tiễn. Cụ thể, trước đây chỉ có 3% học sinh nhưng đến nay đã có trên 51% học sinh trên địa bàn có kiến thức về dân ca M’nông.

141302hinh1-1-(1).jpg
Dưới sự dẫn dắt của H'oắt (ngoài cùng tay phải) nhiều em học sinh trên địa bàn xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) đã biết đánh cồng chiêng, hát dân ca.

Theo cô H’oắt những kiến thức trên giảng đường cũng như ngoài xã hội trong những năm theo học đại học đã giúp cô hiểu và tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, dân tộc M'nông nói riêng. Những giá trị di sản văn hóa này, nếu được bảo tồn và phát huy sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Vì vậy, sau mỗi giờ lên lớp, ngoài thời gian đọc, nghiên cứu tài liệu, cô giáo H'oắt còn tìm đến các nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống M’nông trên địa bàn để tìm hiểu sâu hơn về những câu chuyện, điệu múa, bài hát dân ca… Trên cơ sở đó, cô đưa ra những giải pháp bảo tồn thiết thực nhất.

Dưới sự dẫn dắt của cô giáo H'oắt, Câu lạc bộ dân ca M’nông được thành lập, thu hút đông đảo học sinh tham gia sinh hoạt. Nhiều học sinh không phải là người M’nông nhưng vẫn tích cực tham gia tập luyện, thuộc và hát những điệu dân ca M’nông được đặt lời mới theo tiếng Việt.

Em Trần Nguyễn Thiên Bảo cho hay: “Lúc đầu em cũng không biết dân ca M’nông, nhưng được cô H’oắt chỉ dẫn đến nay đã biết được ý nghĩa một số bài hát dân ca trên giai điệu mới”.

Cô giáo H'oắt tâm sự: “Là người dân tộc thiểu số và tôi may mắn khi sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống văn hóa được đi học tới nơi, tới chốn. Chính điều đó, giúp tôi có được sự hiểu biết, nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa của dân tộc. Tôi mong muốn học sinh có niềm đam mê giống như mình. Từ đó, tôi nỗ lực tìm hiểu, gìn giữ, truyền dạy cho học sinh để những nét đẹp văn hóa truyền thống không bị mai một”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết: “Cô H’oắt là giáo viên không chỉ nhiệt tình, tâm huyết, có nhiều sáng kiến trong công tác chuyên môn dạy và học mà còn tâm huyết gìn giữ, truyền dạy dân ca M’nông cho học sinh”.

Mỹ Hằng