Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Chính sách - Ngày đăng : 14:44, 25/06/2023
Sáng 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1).
Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 7 điểm cầu là các huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Sóc Sơn, Thường Tín của Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Đồng Tháp.
Tham dự lễ khởi công tại điểm cầu Hoài Đức có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Cùng dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu, bà con nhân dân trong vùng dự án.
Đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chiều dài hơn 112 km đi qua Thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công kết hợp hình thức đối tác công – tư (PPP).
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) có chiều dài hơn 27 km, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công.
Như vậy, 2 tuyến đường được đồng loạt tổ chức khởi công ngày hôm nay dài khoảng 140 km; tổng vốn đầu tư của 2 dự án hơn 91.000 tỷ đồng.
Hai dự án này trong chuỗi các dự án quan trọng, trọng điểm về giao thông được khởi công trong tháng 6/2023.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đến nay, sau 1 năm 9 ngày, từ khi có chủ trương đầu tư, Dự án đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023).
Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai dự án, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình.
Về Dự án Cao Lãnh- An Hữu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nêu rõ ý nghĩa của dự án trong việc hình thành tuyến giao thông kết nối liên vùng.
Đây là lần đầu tiên Đồng Tháp được giao làm chủ đầu tư dự án có quy mô lớn, với yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian triển khai cấp bách. Do đó, tỉnh đã lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án do Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban, thường xuyên giao ban tiến độ, kiểm tra, đôn đốc triển khai.
Đại diện nhà thầu, Tổng công ty Vinaconex khẳng định cam kết thi công dự án bảo đảm chất lượng, an toàn, tiến độ. Có kinh nghiệm tham gia nhiều dự án giao thông, lãnh đạo Vinaconex nhấn mạnh sẽ huy động tối đa nguồn lực, nhân sự, tài chính, trang thiết bị, áp dụng công nghiệp thi công hiện đại nhất để triển khai dự án.
Mục tiêu có trên 3.000 km cao tốc vào năm 2025 là khả thi
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phát triển cơ sở hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc và hoàn thành mục tiêu này, đến năm 2025, chúng ta phải đạt ít nhất là 3.000 km. Điều đó có nghĩa, chúng ta phải làm gần 2.000 km từ nay đến năm 2025.
Trong giai đoạn 2000 - 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác hơn 1.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 5 năm, chúng ta phải làm gấp 2 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm vừa qua.
"20 năm qua, chúng ta triển khai chưa được nhiều nhưng mang lại bài học rất quý báu, đánh dấu một mốc son quan trọng về hệ thống đường cao tốc. Từ đó, chúng ta có kinh nghiệm triển khai giai đoạn 2021-2025, 2026-2030, có thêm bài học về cách phân cấp, phân quyền, cách tổ chức thế nào để làm tốt hơn", Thủ tướng nói và nhấn mạnh "vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội".
Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đạt được một số dấu mốc quan trọng về phát triển đường cao tốc.
Thứ nhất, đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên 1.729 km. Thứ hai, các dự án đang thi công, với tổng chiều dài 350 km. Thứ ba, từ đầu năm 2023, đã khởi công các dự án, có tổng chiều dài 1.406 km.
Như vậy, cùng với 1.729 km đã đưa vào khai thác và tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, đã khởi công đến hết tháng 6 năm 2023 là 1.756 km.
"Nếu phấn đấu tốt hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung trọng điểm, trọng tâm hơn nữa thì từ nay đến năm 2025, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu có hơn 3.000 km cao tốc", Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, còn gần 300 km cao tốc đang trong quá trình nghiên cứu, phê duyệt án.
Xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Tạo không gian phát triển mới
Theo Thủ tướng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới.
Việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để có đủ điều kiện khởi công 2 dự án này, các cấp, các ngành, các địa phương được giao là cơ quan chủ quản đã phải triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn: Từ công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán đến lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng…
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, trong đó có việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và phân cấp thực hiện.
Điều đặc biệt hơn khi Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được áp dụng cơ chế đặc thù.
Thứ nhất, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, theo đó giao các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Trung ương giao cho các tỉnh, thành, các tỉnh, thành giao cho các huyện, thị. Như vậy, sự phân cấp này tạo cơ hội, thuận lợi cho giải phóng mặt bằng. Cấp cơ sở, các quận, huyện, xã, phường đã vào cuộc tích cực.
Thứ 2, áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác.
Thứ 3, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.
"Kết quả khởi công hôm nay mới là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn", Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan tiếp tục bám sát tiến độ, sự phân cấp, phân quyền, rà soát lại các công việc để bố trí thời gian, nguồn lực, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo.
Thứ 2, tiếp tục công việc giải phóng mặt bằng, tái định cư với nguyên tắc xuyên suốt là cuộc sống tại nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.
Thứ 3, chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương, các cấp các ngành, nhất là ở cơ sở. "Đây là một khâu mà tôi đi kiểm tra trong 2 năm nay thì thấy hay ách tắc mà phải giải quyết ngay tại hiện trường, vì một số quy định của chúng ta còn chồng chéo, chưa đúng bản chất", Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải quan tâm, tích cực giải quyết vấn đề nguyên vật liệu cho dự án. Cần tránh tham nhũng, tiêu cực trong khai thác nguyên vật liệu thông thường (đất, đá, cát, sỏi).
Thứ 4, thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng tác động của các điều kiện thời tiết nên "chúng ta phải vượt nắng thắng mưa, thực hiện 3 ca 4 kíp", Thủ tướng nêu rõ. Kinh nghiệm của các dự án đạt, vượt tiến độ vừa qua là phải vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ.
"Phải thường xuyên kiểm tra chứ không phải nói là xong"
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT, Xây dựng, TN&MT và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, thành lập các ban quản lý dự án.
Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập khi triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước, các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố cần tích cực đi kiểm tra, đôn đốc, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo ngay.
Khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều nhưng khó khăn hơn, đòi hỏi quyết tâm hơn. "Các đồng chí phải kiểm tra thường xuyên nơi ở mới của người dân thực sự đã bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ chưa, chứ không phải người dân đã di dời thì coi như xong việc", Thủ tướng nói. Mục tiêu cuối cùng của Đảng, Nhà nước ta là chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, là sự ấm no hạnh phúc của người dân. "Không phải chỉ nói trên hội trường, trên diễn đàn cho xong mà nói phải làm, cam kết phải thực hiện", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tăng cường nâng cao trách nhiệm của mình, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cùng với các địa phương và các đơn vị có liên quan.
Mỗi cá nhân có liên quan tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, đồng lòng chung sức giải quyết khó khăn, vượt qua thách thưc để hoàn thành đúng tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ, thuật mỹ thuật, vệ sinh môi trường.
Để triển khai thành công các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh khâu nào cũng quan trọng, không thể bỏ qua nhưng có 2 khâu quan trọng hơn, mang tính nền tảng là bố trí vốn đầy đủ và mặt bằng đủ điều kiện thi công và 6 yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt để dễ thực hiện, dễ kiểm tra.
Thứ nhất, phải bảo đảm chất lượng. Thứ 2 là bảo đảm tiến độ. Thứ 3, hải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường vệ sinh và an toàn lao động. Thứ tư, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Thứ 5 là không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu. Thứ 6 là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
"Tinh thần là phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy, tăng cường giám sát, kiểm tra, chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình tổ chức, thi công và đặc biệt quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã nhường chỗ ở, nơi canh tác, làm việc của mình cho dự án", Thủ tướng nhấn mạnh.