Trung Quốc và Đức thúc đẩy phát triển quan hệ song phương
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 19:37, 24/06/2023
Ngày 20/6/2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đang ở thăm Berlin. Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Berlin để đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới và hai bên cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu nhân dân. Về phần mình, Thủ tướng Scholz cho biết hai bên đã thỏa thuận thúc đẩy đối thoại về khí hậu và chuyển đổi số. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sau khi nhậm chức là tới Đức và Pháp từ ngày 18-23/6. Việc lựa chọn 2 quốc gia được coi là trung tâm của quyền lực Liên minh châu Âu (EU) để thực hiện chuyến thăm được coi là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm kéo châu Âu xích lại gần hơn về mặt ngoại giao.
Trong khi đó, với các nước châu Âu, đây cũng được coi là một cơ hội để tiếp tục tái khẳng định cách tiếp cận ngoại giao không tách rời nhưng giảm dần sự phụ thuộc.
Phát biểu sau khi đến thủ đô Berlin (Đức), Thủ tướng Lý Cường bày tỏ mong muốn chuyến thăm lần này sẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Berlin để khám phá thêm tiềm năng hợp tác và thúc đẩy sự phát triển mới trong quan hệ song phương.
Điểm nhấn của chặng dừng chân tại Đức là vòng tham vấn cấp chính phủ lần thứ bảy với chủ đề "Cùng nhau hành động bền vững," được tổ chức trực tiếp lần đầu tiên sau 3 năm gián đoạn.
Các cuộc tham vấn giữa hai chính phủ Đức và Trung Quốc bắt đầu từ năm 2011, với khởi đầu nhấn mạnh quan hệ đối tác. Năm 2014, mối quan hệ này thậm chí còn được nâng lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” nhưng kể từ đó, cơ chế này cũng xuất hiện nhiều nốt trầm theo thực trạng quan hệ song phương.
Dù vậy, Đức vẫn không thể phủ nhận thực tế rằng Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này trong 7 năm liên tiếp, tính đến năm 2022. Kim ngạch trao đổi hàng hóa lên tới khoảng 300 tỷ euro (329 tỷ USD), trong khi thâm hụt thương mại lớn của Đức với Trung Quốc lên tới hơn 80 tỷ euro.
Hơn 5.000 công ty Đức đang hoạt động tại Trung Quốc, từ Volkswagen hay BASF đến rất nhiều công ty cỡ vừa và tất cả đều được hưởng lợi từ lao động giá rẻ và thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc. Chính vì lẽ đó, sau tham vấn, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh Đức quan tâm tới hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc, khẳng định nước Đức sẽ không "tách rời" khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Có thể thấy, Đức cần Trung Quốc song cũng muốn giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Các văn bản chính thức của Đức thường đề cập đến Trung Quốc như một “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ chiến lược.”
Về phần mình, phía Trung Quốc gọi cuộc tham vấn là “siêu động cơ” của hợp tác Trung-Đức nhưng cũng không quên nhắc lại mong muốn trao đổi thẳng thắn và sâu sắc với Đức dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt và đạt được kết quả cùng có lợi.
Trong cuộc tham vấn này, hai bên cũng thảo luận về một trọng tâm khác là vấn đề biến đổi khí hậu. Thủ tướng Scholz cho rằng là những quốc gia phát thải lượng lớn CO2, cả Đức và Trung Quốc đều có trách nhiệm rất lớn trong việc giảm phát thải, nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động chung để chống biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết nước này ủng hộ việc lấy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu làm trung tâm của sự hợp tác Trung Quốc - Đức trong tương lai.
Sau Đức, Thủ tướng Trung Quốc thăm chính thức Pháp và tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tổ chức tại thủ đô Paris. Việc nhà lãnh đạo Pháp mời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới cho thấy Paris hy vọng Bắc Kinh sẽ tham gia ở mức độ cao vào việc quản trị toàn cầu và ngược lại, sự tham dự của Thủ tướng Lý Cường cũng cho thấy sự ủng hộ của Trung Quốc đối với sáng kiến ngoại giao độc lập của Pháp.
Tại đây ông đã gặp Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và một số lãnh đạo châu Âu với thông điệp chính vẫn là “vượt lên khác biệt” để hợp tác.
Riêng với Pháp, chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường cũng phần nào được mở đường nhờ hiệu ứng tốt có được từ chuyến thăm của Tổng thống Macron tới Trung Quốc từ tháng 4 và trong bầu không khí hai nước hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024.
Ông Lý Cường đến Pháp nhằm triển khai những đồng thuận quan trọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Macron đã đạt được hồi tháng 4 để củng cố hợp tác song phương. Trong cuộc gặp với Tổng thống Macron, Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh hai bên chia sẻ quan điểm chiến lược và tổng thể, đề cao vai trò của việc đẩy mạnh hợp tác song phương.
Ngày 20/6/2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo ông, với những thế mạnh riêng, Trung Quốc, Pháp cũng như toàn EU cần đẩy mạnh hợp tác, không chỉ củng cố các lĩnh vực hợp tác hiện có mà còn hướng đến những lĩnh vực mới, hỗ trợ các sáng kiến của nhau, cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Nội dung “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và giải quyết các mối quan ngại thông qua hợp tác thành công” tiếp tục được Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bên lề hội nghị tại Paris.
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc và EU không có xung đột về lợi ích cơ bản, đồng thời khẳng định hợp tác có lợi cho sự phát triển của mỗi bên, cũng như trong nỗ lực chung nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu và xây dựng một thế giới đa cực.
Trong khi đó, Chủ tịch Charles Michel lưu ý với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng EU không có ý định kìm hãm sự phát triển của quốc gia châu Á, cho biết sẵn sàng tăng cường liên lạc và trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc nhằm phát triển quan hệ hợp tác các cấp, thúc đẩy quan hệ EU-Trung Quốc, để cùng nhau phát triển, giải quyết các vấn đề toàn cầu, cũng như góp phần xây dựng thế giới mở và đa cực.
Những diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh hai bên đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt khi Trung Quốc có nhiều lợi thế để vượt lên dẫn đầu trong một số lĩnh vực quan trọng mà ở đó châu Âu đang mong muốn duy trì vai trò đầu tàu, đơn cử như ngành sản xuất ôtô.
Cùng với việc Trung Quốc vừa vượt qua Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, xuất khẩu xe năng lượng mới của nước này trong quý 1 đã tăng 90% so với năm 2022. Giới quan sát nhận định châu Âu phần nào cảm thấy bất an rằng Trung Quốc sẽ lấn át ngành công nghiệp ôtô châu Âu tại các thị trường toàn cầu và thậm chí là chính thị trường châu Âu trong kỷ nguyên của phương tiện năng lượng mới.
Có thể thấy, tạm gác sang một bên những điểm khác biệt, Trung Quốc và châu Âu đều đang tìm kiếm những tiếng nói chung để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, theo đuổi con đường hợp tác cùng thắng. Những tuyên bố về hợp tác và cùng phát triển được các lãnh đạo Trung Quốc và châu Âu đưa ra trong các cuộc gặp nêu trên phản ánh cách tiếp cận ngoại giao đang được ưu tiên: coi nhau là cơ hội, không phải mối đe dọa./.