Cựu phóng viên kể lại giây phút kinh hoàng kẹt dưới xác tàu Titanic
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 21:38, 22/06/2023
Theo tờ Mail Online, trong lúc các lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm tàu Titan - chiếc tàu lặn của hãng tư nhân OceanGate - mất tích khi đang chở khách tham quan xác tàu Titanic ở vùng nước sâu của Đại Tây Dương, một cựu phóng viên truyền hình đã kể lại việc ông đã từng “suýt chết” như thế nào khi ở trong một chiếc tàu lặn mắc kẹt dưới xác tàu Titanic.
Michael Guillen, cựu phóng viên hãng ABC, tiết lộ trải nghiệm đáng sợ của chính mình hồi năm 2000 khi ông là phóng viên truyền hình đầu tiên đến thăm xác con tàu huyền thoại ở độ sâu hai dặm rưỡi dưới Đại Tây Dương ngoài khơi Newfoundland.
Guillen đã chia sẻ một đoạn phim kể về việc chiếc tàu lặn đột nhiên bị cuốn vào một dòng nước mạnh đẩy nó về phía chân vịt nặng 21 tấn của Titanic.
Sau khi bị kẹt dưới đuôi tàu Titanic, thủy thủ đoàn đã cố gắng lái chiếc tàu lặn lùi ra, lúc đó một tiếng nổ vang lên và mọi người nhìn thấy những mảnh vỡ trôi nổi trong lòng đại dương.
“Chúng ta bị mắc kẹt rồi sao?” - một giọng nói có thể được nghe thấy trong đoạn phim.
Cả nhóm cuối cùng cũng xoay sở được để giải phóng chiếc tàu ngầm và đưa nó trở lại mặt nước, Guillen sau đó phát biểu: sự cố này “suýt nữa đã cướp đi mạng sống của tôi.”
Theo Guillen, nhóm của ông đã ở trên một chiếc tàu lặn có tên là Mir 1 - được chế tạo vào năm 1987.
Viết trong cuốn sách năm 2021 - “Believing is Seeing” (Tạm dịch: Tin là Thấy), Guillen miêu tả: “Đối với tôi, có vẻ như chúng tôi đang hướng về nó (chiếc chân vịt của Titanic) quá nhanh - và tệ hơn là còn đang tăng tốc.
Sau đó, tôi được biết rằng tàu ngầm của chúng tôi vô tình bị cuốn vào một dòng nước xiết, sâu dưới nước. Chỉ tích tắc sau, Mir 1 đâm sầm vào chân vịt của Titanic.
Tôi bị sốc sau cú va chạm: Những mảnh vỡ rỉ sét rơi xuống chiếc tàu lặn của chúng tôi và che khuất tầm nhìn của tôi qua cửa sổ.”
Theo trí nhớ của Guillen, khi đó 30 phút trôi qua và nhóm cố gắng giải thoát con tàu bằng cách "di chuyển nó tới lui, tiến rồi lùi" để "giật ra khỏi vị trí mắc kẹt."
Vào thời điểm đó, Guillen bắt đầu nghĩ rằng nhóm sẽ không thể “thoát” được.
"Nhưng sau đó, tôi đột nhiên cảm thấy như thể có một 'thế lực vô hình' đã xâm nhập chiếc tàu ngầm, và 'ngay sau đó mọi thứ trở nên yên lặng' trước khi động cơ 'ngừng gầm rú' và có cảm giác như họ đang nổi lên trở lại.." Guillen hồi tưởng.
Nhóm nghiên cứu đã giải phóng được Mir 1 khỏi chân vịt của tàu Titanic, dù vậy Guillen thừa nhận cho đến tận bây giờ ông vẫn không hiểu hết làm thế nào mà mình có thể sống sót sau sự cố đó.
Là một người theo Cơ đốc giáo, Guillen cũng đã viết về việc ông “đã trải nghiệm sự hiện diện và bình an của Chúa” ngay ở thời khắc ông “cam lòng nói lời tạm biệt cuộc đời mình.”
Ở thời điểm hiện tại, tàu lặn Titan của OceanGate là tàu ngầm năm người duy nhất trên thế giới có khả năng tiếp cận Titanic.
Con tàu được điều khiển bởi một bộ Playstation chuyên dụng, nó không có hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và được điều hướng bằng tin nhắn text gửi đi bởi một nhóm trên mặt nước.
Phóng viên David Pogue của CBS, người cũng từng có mặt trên một chiếc tàu lặn, cho biết những người bên trong sẽ không thể thoát ra ngoài nếu không có sự trợ giúp.
Hành khách được “niêm phong” bên trong khoang bằng 17 chốt được gắn bên ngoài, những chốt này chỉ có thể tháo được từ bên ngoài.
Phóng viên của CBS cũng cho biết con tàu có bảy chức năng khác nhau cho phép nó hoạt động trở lại, nhưng điều “thật sự đáng lo ngại' là dường như không có dấu hiệu nào cho thấy các chức năng này của tàu Titan đang hoạt động.
Ông Pogue nói thêm rằng những chức năng giúp tàu nổi trở lại mặt nước sẽ “không phù hợp” chiếc con tàu bị mắc kẹt hoặc đang bị rò rỉ. “Không có phương án dự phòng, không có khoang thoát hiểm - nó sẽ nổi lên mặt nước, hoặc là chết.”
Chiếc tàu lặn du lịch Titan mất tích được cho là đã phát ra tiếng 'ping' cuối cùng khi nó ở ngay phía trên xác tàu Titanic.
Stockton Rush, Giám đốc Điều hành của OceanGate - hãng tổ chức chuyến đi - là một trong các thành viên của nhóm tham quan trên tàu Titan.
Tỷ phú người Anh Hamish Harding, chuyên gia hàng hải Pháp Paul-Henri Nargeolet, doanh nhân Shahzada Dawood - một trong những người giàu có nhất Pakistan cùng con trai 19 tuổi của ông, là bốn thành viên còn lại bị mắc kẹt trong con tàu đang được tìm kiếm ở độ sâu khoảng 3.800m dưới Đại Tây Dương.
Hy vọng vẫn chưa tắt mặc dù theo ước tính của lực lượng Tuần duyên Mỹ, oxy trên tàu Titan có thể đã cạn kiệt vào khoảng 7h10 ngày 22/6 (khoảng 18h10 giờ Hà Nội).
Theo các chuyên gia, lượng dưỡng khí lượng dưỡng khí có thể được duy trì lâu hơn nếu các hành khách không hoảng loạn và biết cách bảo tồn oxy trong không gian chật hẹp.
Các nỗ lực tìm kiếm tàu Titan vẫn đang tiếp diễn./.