Đời sống

Ông Lý A Bảo- nói dân tin, làm dân theo

Thanh Hằng 23/06/2023 06:17

Nhiều năm qua, ông Lý A Bảo được xem “cánh chim đầu đàn” ở bản Đầm Giỏ, xã biên giới Thuận Hà (Đắk Song). Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Bảo còn hỗ trợ người dân làm ăn sản xuất và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.

Hỗ trợ nhau làm kinh tế

Những ngày cuối tháng 6, gia đình ông Lý A Bảo đang hoàn thiện căn nhà hai tầng, trị giá khoảng 3 tỷ đồng để chuẩn bị dọn về ở. Đây là kết quả sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất Đắk Nông của gia đình người đàn ông dân tộc Dao này.

hinh-3(1).jpg
Ông Lý A Bảo là người có uy tín, gương sản xuất giỏi tại xã Thuận Hà.

Trước năm 2000, cũng như bao hộ dân tộc Dao, Tày, Nùng khác ở phía Bắc đến sinh sống, lập nghiệp ở bản Đầm Giỏ, cuộc sống của gia đình ông Bảo gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù chăm chỉ trồng lúa, ngô, mì, nhưng tình trạng đói giáp hạt thường xuyên xảy ra.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2004, ông Bảo mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cà phê.

Cần cù làm ăn và biết tích lũy, đến nay ông đã có 10 ha đất sản xuất nông nghiệp, mỗi năm thu được khoảng 25 tấn cà phê và 15 tấn tiêu.

“So với một số hộ khác trong bản thì điều kiện kinh tế của gia đình tôi có khá hơn một ít, thế nhưng nhìn ra ngoài xã hội, còn rất nhiều người làm kinh tế giỏi hơn”, ông Lý A Bảo khiêm tốn nói.

hinh-2(1).jpg
Hiện ông Bảo đang đầu tư làm căn nhà rộng 350m2, trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Bảo còn nhiệt tình giúp đỡ các hộ dân trong bon khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Bên cạnh việc hỗ trợ cây giống, công cụ lao động, ông còn hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê, hồ tiêu cho năng suất cao…

Ông Lý Dào Phâu, bản Đầm Giỏ chia sẻ, từ hộ nghèo, chỉ biết trồng cây mì, cây ngô, ông và nhiều hộ dân khác ở bản Đầm Giỏ đã được ông Bảo hướng dẫn, biết trồng cà phê, hồ tiêu.

Nhờ thay đổi tập quán và phương thức sản xuất, hiện nay nhiều hộ dân trong bản đã thoát nghèo, từng bước vươn lên thành hộ khá.

Ông Phâu nói: “Bà con trong bản đều lấy anh Bảo làm gương để phấn đấu làm ăn. Không những vậy, anh Bảo luôn hỗ trợ, giúp đỡ bà con để làm ăn, phát triển kinh tế, trong đó có cả gia đình tôi. Từ một hộ nghèo, nhờ anh Bảo hướng dẫn trồng cà phê, hồ tiêu, nay nhà tôi đã thoát được nghèo, xây được nhà mới và có đời sống ổn định”.

Trăn trở vì vẫn còn hủ tục

Bản Đầm Giỏ có gần 300 hộ, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%. Có kinh nghiệm sống phong phú, sâu sát, gần gũi với bà con, ông Bảo đã tham gia hòa giải thành nhiều vụ việc.

Đời sống của người dân có sự thay đổi, thế nhưng ông Bảo vẫn còn trăn trở vì hiện nay một số hộ vẫn còn duy trì những hủ tục lạc hậu, nhất là trong việc tổ chức tang ma. Dù đã nhiều lần động viên, tuyên truyền nhưng tình trạng này còn hiện hữu, cản trở sự phát triển của các hộ gia đình.

hinh-1-1-.jpg
Ngoài phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Bảo hướng dẫn người dân địa phương trồng cà phê, hồ tiêu.

Ông Bảo cho hay: “Trước đây việc tổ chức đám tang cho người quá cố thường kéo dài đến cả một tuần lễ nên nhiều gia đình phải gánh nợ vì đám tang. Chính vì thế, tôi cố gắng gặp gỡ các thầy cúng, hộ dân, nói cho hiểu để họ tổ chức đám tang thật sự tiết kiệm, gọn nhẹ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hộ dân chưa bỏ được tập tục này khiến tôi cứ trăn trở, suy nghĩ mãi”.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hà đánh giá, ông Lý A Bảo là người có uy tín tiêu biểu được các ngành, các cấp tuyên dương, khen thưởng. Ông Bảo có nhiều đóng góp trong việc giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện nếp sống văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự địa bàn, an ninh biên giới. Việc làm của ông Bảo góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thanh Hằng