Có nên thể hiện thông tin “nơi cư trú” trên thẻ căn cước hay không?
Chiều 22/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước.
Tham gia thảo luận về dự án Luật này, Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cơ bản thống nhất về thể thức, nội dung như dự thảo, nhất là việc tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan chức năng để chỉnh lý tên gọi dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân” thành “Luật Căn cước.
Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, tại Điều 10 dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung dữ liệu thông tin về “Nơi sinh” cho đầy đủ, đảm bảo thống nhất với thông tin Giấy khai sinh (Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân).
Cân nhắc nội dung thông tin tại các khoản 13, 19, 21 có sự trùng lắp các thông tin như: khoản 1 thể hiện thông tin về tình trạng hôn nhân, trong khi khoản 13 đã có thông tin của vợ/chồng (họ tên, số định danh, quốc tịch); khoản 13 chứa thông tin và các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, trong khi khoản 21 thể hiện thông tin thành viên hộ gia đình.
Về nội dung thể hiện trên Thẻ căn cước về “nơi cư trú” theo điểm l khoản 1 Điều 19 của dự thảo, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc có nên thể hiện thông tin “nơi cư trú” trên thẻ căn cước không? Vì có rất nhiều trường hợp trong thực tiễn công dân thường xuyên thay đổi nơi cư trú dẫn đến thông tin trên thẻ căn cước không chính xác và đây cũng không thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo Điều 25 của dự thảo; ngoài ra, thông tin về nơi cư trú được thể hiện cụ thể trong cơ sở dữ liệu căn cước.
Đại biểu Hằng thống nhất với việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi. Tuy nhiên, cần có quy định về trách nhiệm của cha, mẹ, người giám hộ trong việc quản lý, sử dụng thẻ căn cước. Còn việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi thì không nên áp dụng. Bởi vì, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính do trẻ em được sinh ra trong cùng một thời điểm nên phải cấp đồng thời nhiều loại giấy tờ khác nhau như mã định danh cá nhân, giấy khai sinh, bảo hiểm y tế, căn cước công dân… dẫn đến việc gây lãng phí nguồn lực thực hiện, tăng chi phí đối với người dân mỗi lần cấp đổi thẻ và làm gắng nặng với ngân sách nhà nước trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh các quy định, thủ tục cho phù hợp với thực tiễn, tránh làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, đồng thời tạo sự thuận lợi khi triển khai thực hiện.
Còn tại điểm a khoản, 1 Điều 24 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước đối với người dưới 06 tuổi được thực hiện thông qua cổng dịch vụ công là chưa phù hợp. Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều thủ tục hành chính được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức trực tiếp. Việc yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, thông qua cổng dịch vụ công đang chiếm tỷ lệ thấp, phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng, nhu cầu của người dân, hệ thống hạ tầng thông tin…Do đó, đề nghị quy định hướng mở để người dân lựa chọn thông qua cổng dịch vụ công hoặc bằng hình thức trực tiếp.
Tại điểm b khoản 4, Điều 30 dự thảo Luật quy định “Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao thực hiện thu hồi thẻ căn cước có trách nhiệm giao lại thẻ căn cước đã thu hồi cho cơ quan quản lý căn cước”.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, Điều 26 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam thì: “ Trường hợp người được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam hoặc đã từng có thời gian cư trú tại Việt Nam thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định cho thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo cho Bộ Công an để chỉ đạo cơ quan Công an có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú, thu hồi Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của người đó theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước cũng đã được quy định rõ tại điểm a khoản 4 Điều 30 của dự thảo Luật “Cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này” trong đó đã bao gồm cả trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại nội dung trên cho phù hợp, thống nhất giữa các điều khoản và các quy định pháp luật có liên quan.