Thúc đẩy hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:49, 22/06/2023

Theo Bản ghi nhớ hợp tác vừa ký, Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ thông tin cập nhật tình hình phát triển về sở hữu trí tuệ, trao đổi kinh nghiệm, để tăng hiệu quả về quản trị và thẩm định sở hữu trí tuệ.

Thuc day hop tac ve so huu tri tue giua Viet Nam va Han Quoc hinh anh 1(Ảnh minh họa: Vietnam+)

Sáng 22/6, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trong các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu (chính sách và thực tiễn thẩm định, hệ thống quản trị…).

Bản ghi nhớ hợp tác mới thay cho Bản ghi nhớ hợp tác được hai bên ký kết từ năm 2009.

Nhấn mạnh quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Hàn Quốc, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Đinh Hữu Phí cho biết sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ ngày 22/12/1992, đến nay, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã được nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện” nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 12/2022.

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Hai nước thiết lập, tham gia nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc đã có hợp tác bền chặt, hiệu quả với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Các chương trình, dự án hợp tác đã và đang được hai cơ quan triển khai là minh chứng cho quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung; sự ủng hộ, quan tâm đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc dành cho hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói riêng.

Tại lễ ký, bà LEE Insil, Tổng Cục trưởng Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc cho rằng, sự kiện là cơ hội để lãnh đạo, cán bộ các đơn vị của hai cơ quan trao đổi kinh nghiệm, thông tin liên quan đến nhãn hiệu như Chính sách và thực tiễn thẩm định, hệ thống quản trị,…; khảo sát về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc; ký kết Chương trình thẩm định nhanh đơn sáng chế (Chương trình PPH) giai đoạn 2 trong thời gian hai năm (từ 1/6/2021-31/5/2023) sau khi đã hoàn thành triển khai thử nghiệm Chương trình PPH giai đoạn 1 (01/6/2019-31/5/2021).

Về nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác, bà LEE Insil cho biết hai bên chia sẻ thông tin cập nhật tình hình phát triển về sở hữu trí tuệ; trao đổi kinh nghiệm, chính sách, phương pháp tiếp cận chung để tăng hiệu quả về quản trị và thẩm định sở hữu trí tuệ; nghiên cứu, trao đổi chuyên gia tập trung cải thiện hệ thống sở hữu trí tuệ để thúc đẩy thẩm định; hỗ trợ triển khai các khuôn khổ hợp tác đa phương mà các bên là thành viên như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) về bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ, trong đó có bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và phòng ngừa các nhãn hiệu đăng ký với dụng ý xấu.

Chia sẻ thêm về Chương trình thẩm định nhanh đơn sáng chế, bà LEE Insil cho biết đây là một nội dung hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác ký năm 2018 giữa hai cơ quan.

Chương trình hiện đã hoàn thành 2 giai đoạn thử nghiệm. Cụ thể, giai đoạn 1 (1/6/2019--31/5/2021), Cục Sở hữu trí tuệ nhận được 89 yêu cầu thẩm định nhanh đơn sáng chế; giai đoạn 2 (1/6/2021-31/5/2023) Cục Sở hữu trí tuệ nhận được 29 yêu cầu thẩm định nhanh đơn sáng chế có nguồn gốc từ Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc.

Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc chưa nhận được yêu cầu thẩm định nhanh đơn sáng chế nào có nguồn gốc Việt Nam trong cả hai giai đoạn.

“Hiện hai cơ quan đã nhất trí phương án gia hạn thử nghiệm giai đoạn 3 (1/6/2023-31/5/2025), giữ nguyên các điều kiện và hạn mức 100 yêu cầu/năm/cơ quan. Hy vọng Bản ghi nhớ hợp tác mới sẽ đi vào chiều sâu, thực chất, giúp nâng cao năng lực và góp phần phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của mỗi bên,” bà LEE Insil nhấn mạnh.

Để Chương trình thẩm định nhanh đơn sáng chế giữa hai cơ quan được biết đến rộng rãi hơn, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Đinh Hữu Phí khuyến nghị Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc xem xét, thông báo cho Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cùng các cơ quan liên quan cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang có ý định phát triển kinh doanh tại Việt Nam tìm hiểu, sử dụng./.

Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam)

Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam)