123 tác phẩm được vinh danh tại Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII - năm 2022
Tối 21/6, Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII - năm 2022 được tổ chức tại Hà Nội, đúng dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đến dự Lễ trao giải có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải. |
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, và lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trong tổng số 123 tác phẩm báo chí xuất sắc được vinh danh tại buổi lễ, Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân vinh dự đóng góp 6 tác phẩm, gồm 1 tác phẩm đạt giải A, 2 tác phẩm đạt giải B, 2 tác phẩm đạt giải C và 1 tác phẩm đạt giải Khuyến khích.
Báo chí phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân
Phát biểu tại Lễ trao giải, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới những người làm báo trong và ngoài nước nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ôn lại truyền thống anh hùng của báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, báo chí là lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước, tiên phong đi đầu trên mọi mặt trận tư tưởng-văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong năm 2022, báo chí đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch nước bày tỏ sự vui mừng khi Giải thưởng báo chí quốc gia ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng; đồng thời đánh giá cao các tác phẩm đạt Giải năm 2022.
Các tác phẩm báo chí đã có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn công chúng, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Nhiều tác phẩm báo chí mang tính phát hiện, tính chiến đấu cao, sắc bén, phản biện khoa học, đề xuất giải pháp thiết thực, thông tin tích cực, có sức lan tỏa, lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong xã hội.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ trao giải. (Ảnh: Duy Linh) |
Chủ tịch nước lưu ý, chúng ta cũng đang ở năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với rất nhiều nhiệm vụ to lớn đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam nhiệm vụ ngày càng nặng nề, vinh dự và trọng trách ngày càng lớn lao, đòi hỏi người làm báo, các cơ quan báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Chủ tịch nước đề nghị cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình gánh vác. Người làm báo phải luôn nhận thức sâu sắc “làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng”, “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Trên cơ sở kiên định với lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, giữ gìn những giá trị cốt lõi, lý tưởng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nêu cao trách nhiệm xã hội, không ngừng sáng tạo, thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực, hữu ích, tin cậy cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thứ hai, đội ngũ những người làm báo tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp thông tin hữu ích, nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ xã hội, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí. Đồng hành cùng với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Thu hút sự tham gia tích cực của công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện vai trò giám sát quyền lực và thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính…
Thứ ba, báo chí phải là ngọn cờ đầu, kết nối và huy động các nguồn lực, bao gồm trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và cảm hứng năng động, sáng tạo, cống hiến của toàn dân; nuôi dưỡng, khơi gợi, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc; xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.
Thứ tư, kiên quyết đấu tranh góp phần loại bỏ những gì còn cản trở, kìm hãm, gây hại cho tiến trình phát triển của đất nước. Trong bối cảnh thông tin ngày càng đa dạng, nhiều chiều, nhiều vấn đề mới, chưa được kiểm chứng, thông tin sai lệch, mưu đồ lợi dụng tự do dân chủ để đi ngược lại các giá trị, mục tiêu mà nền báo chí cách mạng đã và đang phấn đấu, báo chí cần chủ động, nhạy bén, phát hiện và dự báo các vấn đề, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh sắc bén với các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần củng cố, vun đắp niềm tin của nhân dân. Báo chí tiếp tục là vũ khí quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, tệ nạn xã hội.
Thứ năm, báo chí xác định là một bộ phận cấu thành của văn hóa, là lực lượng đi đầu trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là một điển hình, đại diện về tính văn hóa, cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa với những con người văn hóa, giữ gìn phẩm giá, lòng tự hào và tự trọng nghề báo, vượt qua những cám dỗ và thách thức, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân lên từng trang viết, từng sản phẩm báo chí.
Tiếp tục phát hiện, biểu dương những nhân tố điển hình, điểm sáng tích cực, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, khẳng định phẩm giá, tâm hồn, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam, định hướng xã hội vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Thông qua cầu nối báo chí, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, mở ra cơ hội tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và bạn bè trên khắp thế giới.
Thứ sáu, trước xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng thông tin khác và những biến đổi hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng, mỗi người làm báo phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu, chủ động hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, hành nghề chuyên nghiệp, cung cấp thông tin chất lượng, tin cậy, thuyết phục trên nền tảng truyền thống và nhất là nền tảng công nghệ số, để đủ sức thu hút, giữ được niềm tin, sự tôn trọng của công chúng, chinh phục, chiếm lĩnh sự quan tâm của công chúng.
Chủ tịch nước tin tưởng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc và nhân dân, đội ngũ những người làm báo Việt Nam hôm nay sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với vị thế của một nền báo chí sắp tròn 100 năm tuổi.
Báo chí cách mạng luôn là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia cho biết, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử của đất nước từ khi có Đảng, báo chí cách mạng luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng văn hóa; là diễn đàn của nhân dân, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.
Các thế hệ nhà báo cách mạng xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Thành tựu của nền báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay được xây dựng bằng trí tuệ, công sức và cả xương máu của các thế hệ các nhà báo trong gần 1 thế kỷ qua.
Đồng chí khẳng định, tiếp nối truyền thống 98 năm phát triển của báo chí cách mạng, báo chí nước nhà luôn giữ vững vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; duy trì vai trò là dòng thông tin chính thống, chính thức không ngừng nghỉ; tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước; là tiếng nói của người dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người dân.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thành Đạt) |
Báo chí cả nước cũng đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc qua các ứng dụng công nghệ số.
Đồng chí khẳng định, trong bối cảnh chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà trên nhiều phương diện, hơn lúc nào hết, những người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các cấp cần phát huy những truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam: vững vàng về bản lĩnh chính trị, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với Tổ quốc và dân tộc, đổi mới, sáng tạo và có tinh thần chủ động hội nhập quốc tế.
Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong năm 2022, báo chí đã thông tin nhanh, trúng và toàn diện mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, ở trong nước và cả quốc tế, đồng thời cũng là diễn đàn rộng lớn và tin cậy của nhân dân. Báo chí cũng cho thấy sự đổi mới sáng tạo trong phương thức thể hiện, đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ trao giải. (Ảnh: Duy Linh) |
Ngoài ra, báo chí đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, tạo được hiệu quả xã hội rộng khắp.
Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, năm nay, số lượng tác phẩm gửi về dự giải tiếp tục ở mức cao với 1.894 tác phẩm, cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải cũng như sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội nhà báo trong cả nước.
Các tác phẩm dự thi có chất lượng tốt, đồng đều
Với tinh thần nghiêm túc, khách quan, trách nhiệm cao, Hội đồng chấm giải năm nay đã chọn ra 123 tác phẩm báo chí xuất sắc từ 157 tác phẩm vào chung khảo để trao giải, trong đó có 8 giải A, 24 giải B, 46 giải C, 45 giải Khuyến khích theo 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất.
Theo đánh giá của Hội đồng Giải, các tác phẩm năm nay đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và các mặt khác của đời sống đất nước trong năm 2022, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của đất nước như: Nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngoài ra, các tác phẩm cũng tập trung phản ánh các vấn đề kinh tế nổi bật như thị trường chứng khoán, khủng hoảng thị trường bất động sản, lỗ hổng trong quản lý kinh doanh xăng dầu; các đề tài về văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ các giá trị văn hóa trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, các tác phẩm còn đi sâu vào các vấn đề xã hội nóng như vấn nạn ma túy học đường, buôn người sang Campuchia, vi phạm tại các cơ sở tôn giáo, tình trạng mua bán trứng và đẻ thuê ngầm...; các vấn đề về bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; công cuộc chuyển đổi số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội...
Theo Hội đồng giải, nhìn chung các tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, đồng đều. Khoảng cách giữa báo chí Trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp ở nhiều nhóm thể loại. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, được đầu tư nghiêm túc, công phu, có bố cục chặt chẽ, cách thức thể hiện gần gũi, sinh động, hấp dẫn người đọc.
Điểm mới năm nay là bên cạnh các cơ quan báo chí Trung ương, báo chí địa phương đã thể hiện rõ thành tựu đổi mới sáng tạo, tính đa loại hình, đa phương tiện điển hình như: Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh-Truyền hình Nghệ An, Báo Tuyên Quang...
Bên cạnh các liên chi hội, cấp hội lớn vẫn duy trì được chất lượng tác phẩm dự giải, nhiều hội nhà báo tỉnh cho thấy sự đầu tư trong công tác tuyển chọn, nâng cao chất lượng tác phẩm dự thi. Đặc biệt, ảnh báo chí có nhiều tác phẩm tốt hơn năm trước; một số đơn vị địa phương đã có sự đầu tư tốt cho tác phẩm, gửi bài dự thi nhiều hơn, có những bộ ảnh thể hiện tính phát hiện đề tài, cách thể hiện chuyên nghiệp.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi lễ:
Trao giải B cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải. (Ảnh: Duy Linh) |
Trao giải C cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải. (Ảnh: Duy Linh) |
Trao giải Khuyến khích cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải. (Ảnh: Duy Linh) |
Các tác phẩm đoạt giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII-năm 2022
1. Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in) có 1 Giải A, 3 Giải B, 6 Giải C và 4 Giải Khuyến khích.
Giải A thuộc về loạt 4 bài: “Yêu cầu mới về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hà, Hà Thanh Giang, Minh Đức, Bùi Thị Lan, Phạm Việt Hải – Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.
2. Giải Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in) có 1 Giải A, 2 Giải B, 3 Giải C và 2 Giải Khuyến khích.
Giải A thuộc về tác phẩm: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, làm căn cứ để đánh giá và rà soát, sàng lọc cán bộ” của tác giả Vũ Trọng Lâm – Chi hội Nhà báo Tạp Chí Cộng Sản.
3. Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in) có 3 Giải B, 5 Giải C và 4 Giải Khuyến khích.
Các Giải B gồm: Loạt 5 bài “Tràn lan vaccine, thuốc thú y lậu” của tác giả Phùng Minh Phúc – Chi hội Nhà báo Báo Nông nghiệp Việt Nam; loạt 4 bài “Phanh phui rau VietGAP dỏm” của nhóm tác giả Đặng Thị Thảo Thương, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Văn Trí, Võ Đức Thiện – Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh; loạt 5 kỳ “An ninh nguồn nước là bảo vệ sinh mệnh đồng bằng” của nhóm tác giả Ngọc Trảng, Phương Thúy – Báo Vĩnh Long, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long.
4. Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh có 1 Giải B, 2 Giải C và 3 Giải Khuyến khích.
Giải B thuộc về tác phẩm: “Vàng tặc” tàn phá rừng phòng hộ ở Lai Châu của nhóm tác giả Nguyễn Văn Oanh, Trần Văn Hoàng, Đinh Thị Thùy – Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Lai Châu.
5. Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh) có 1 Giải A, 2 Giải B, 3 Giải C và 6 Giải Khuyến khích.
Giải A thuộc về tác phẩm “Vượt qua cơn binh lửa” của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Bùi Nguyễn Quang Dũng, Vũ Hải Đăng – Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
6. Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh) có 1 Giải A, 3 Giải B, 4 Giải C và 3 Giải Khuyến khích.
Giải A thuộc về tác phẩm “Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương” của nhóm tác giả Bùi Thị Thu Hương, Bùi Thị Thùy Linh, Nguyễn Thị Thanh Trang, Tạ Thị Ngoãn, Nguyễn Thị Thanh Tú – Trung tâm truyền thông Quảng Ninh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh.
7. Giải Tin, phóng sự, ký sự (Truyền hình) có 3 Giải B, 5 Giải C và 6 Giải Khuyến khích.
Các Giải B gồm: Tác phẩm: “Ốc đảo hòa bình” của nhóm tác giả Nguyễn Kim Tôn, Nguyễn Quang Khánh, Vương Tuấn Anh, Lương Hải Anh, Nguyễn Văn Trường – Liên chi hội Nhà báo Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội; loạt 2 bài “Bò nhập ngoại đường bộ và những lỗ hổng” của nhóm tác giả Nguyễn Lâm Thanh, Phạm Anh Quang, Nguyễn Hải Thủy, Nguyễn Thanh Huyền, Lê Xuân Hòa – Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam; tác phẩm “Ma trận giếng khoan” của nhóm tác giả Đoàn Thị Anh Đào, Nguyễn Văn Hùng, Lang Văn Linh, Lê Thị Thu Hiền, Trần Thị Thanh Nga – Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An.
8. Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình) có 1 Giải A, 1 Giải B, 3 Giải C và 3 Giải Khuyến khích.
Giải A thuộc về tác phẩm “Ngày gặp lại” của nhóm tác giả Tấn Tài, Bích Phương, Ngọc Quí, Trần Thịnh – Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Giải Phim tài liệu truyền hình có 1 Giải A, 2 Giải B, 4 Giải C và 3 Giải Khuyến khích.
Giải A thuộc về tác phẩm: “Bẫy” của nhóm tác giả Nguyễn Hồ Trí, Vũ Hồng Anh, Phạm Quốc Bằng, Chu Sỹ Thanh, Nguyễn Tài Vũ – Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.
10. Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) có 1 Giải A, 2 Giải B, 6 Giải C và 6 Giải Khuyến khích.
Giải A thuộc về loạt 5 bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Phạm Thanh Trà, Nguyễn Hoài Nam, Hoàng Tiến Đạt – Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.
11. Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử) có 1 Giải A, 2 Giải B, 5 Giải C và 5 Giải Khuyến khích.
Giải A thuộc về tác phẩm “Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường” của nhóm tác giả Lê Đức Dục, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Ngọc Quang – Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.