Chính trị

Công nghệ phát triển mang lại cho người làm báo cơ hội sáng tạo không có điểm dừng

Báo Nhân Dân 21/06/2023 17:14

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), phóng viên Báo Nhân Dân đã trao đổi với Tổng Biên tập một số báo điện tử đang đi đầu trong xu hướng "báo chí - công nghệ" tại Việt Nam về chiến lược phát triển công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nắm bắt và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bạn đọc.

h11.jpg

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), phóng viên Báo Nhân Dân đã trao đổi với Tổng Biên tập một số báo điện tử đang đi đầu trong xu hướng "báo chí - công nghệ" tại Việt Nam về chiến lược phát triển công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nắm bắt và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bạn đọc.

--------------------

Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress: Công nghệ giúp toà soạn nắm bắt nhu cầu của công chúng

h12.jpg
Ông Phạm Hiếu, Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress

Với 40 triệu người dùng thường xuyên trung bình mỗi tháng, VnExpress vẫn duy trì vị trí báo điện tử có lượng độc giả lớn nhất hiện nay. Công nghệ đã được ứng dụng như thế nào trong quá trình làm báo ở VnExpress. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hiếu, Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress.

Phóng viên (PV): VnExpress là một trong những báo điện tử tại Việt Nam tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nội dung báo chí. Ông có thể cho biết cụ thể việc ứng dụng công nghệ này như thế nào?

Ông Phạm Hiếu: Ngay từ khi thành lập cách đây 22 năm, VnExpress đã được đầu tư và phát triển nền tảng xuất bản báo chí (Editor) mã nguồn mở, cho phép tòa soạn liên tục cải tiến và ứng dụng những công nghệ xuất bản mới nhất của báo chí thế giới. Đây là quá trình song hành liên tục và xuyên suốt của đội ngũ những người làm công nghệ với 250 phóng viên, biên tập viên làm báo ở VnExpress.

Hệ thống Editor cho phép tòa soạn vận hành trên một hệ thống thống nhất từ cấp phóng viên tới Ban Biên tập, không giới hạn thời gian và không gian, với độ bảo mật nhiều lớp, đồng thời được phân theo nhiều cấp biên tập.

Trên hệ thống xuất bản này, Ban Biên tập có thể điều phối quá trình sản xuất tin bài của từng phóng viên, biên tập viên, nghiệm thu và phân phối nội dung tới từng chuyên trang, chuyên mục. Hệ thống Editor được tích hợp bộ chỉ số phân tích người dùng giúp toà soạn đánh giá được mức độ quan tâm của công chúng tới từng nội dung cũng như đánh giá hiệu quả công việc của từng nhân sự.

Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp cho tòa soạn tối ưu hóa năng suất và hiệu quả sản xuất nội dung của người làm báo. Tôi có thể lấy ví dụ: Mỗi tháng trung bình VnExprees nhận khoảng 420.000 bình luận của độc giả. Để bảo đảm các ý kiến của độc giả phù hợp với nguyên tắc của tòa soạn, chúng tôi đã dùng thuật toán để thẩm định. Sau đó mới tới phần duyệt, xuất bản của ban chuyên môn. Nhờ đó, hiệu suất công việc tăng lên, lượng bình luận của độc giả được xuất bản cũng tăng theo.

Hay như để cá nhân hóa nhu cầu tiếp cận thông tin của từng độc giả chúng tôi đã ứng dụng công nghệ một phần vào việc trình bày, sắp xếp nội dung hiển thị của từng bài báo, gợi ý cho độc giả những nội dung phù hợp với nhu cầu, thói quen tiếp nhận thông tin của từng người. Hơn một năm trước, tòa soạn cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc sản xuất những nội dung có chung định dạng, sử dụng nhiều dữ liệu và “Điểm tin” trên loại hình Podcast.

"Để cá nhân hóa nhu cầu tiếp cận thông tin của từng độc giả chúng tôi đã ứng dụng công nghệ một phần vào việc trình bày, sắp xếp nội dung hiển thị của từng bài báo, gợi ý cho độc giả những nội dung phù hợp với
nhu cầu, thói quen tiếp nhận thông tin của từng người".

Ông Phạm Hiếu - Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress

PV: Được biết, năm 2022 là năm đánh dấu VnExpress vận hành một hệ thống chỉ số riêng, tự chủ hoàn toàn về công nghệ, xin ông chia sẻ rõ hơn về việc này?

Ông Phạm Hiếu: Đội ngũ công nghệ phục vụ VnExpress hiện nay có khoảng 80 kỹ sư. Bao gồm bộ phận IT tổ chức dữ liệu vận hành hệ thống; R&D (nghiên cứu và phát triển), Product (thiết kế sản phẩm) và bộ phận hạ tầng hệ thống.

Thực ra không phải năm 2022 chúng tôi mới có hệ thống đo đếm dữ liệu độc giả, mà ngay từ những ngày đầu tiên VnExpress đã có một hệ thống đo đếm lượng truy cập.

Tuy nhiên, do công nghệ phát triển không ngừng cùng với nhu cầu hiểu độc giả ngày càng cao của tòa soạn nên trong 2 năm trở lại đây chúng tôi đã tập trung xây dựng một hệ thống dữ liệu lớn cho phép tòa soạn không chỉ nắm bắt được lượt truy cập của từng tin bài mà còn hiểu được mức độ quan tâm của 40 triệu độc giả thường xuyên của báo.

Ví dụ, chúng tôi có thể xác định được từng “điểm chạm” của độc giả, không chỉ hiểu độc giả đọc cái gì mà còn biết họ đọc đến đâu và muốn đọc tiếp những gì…

Do đó, bên cạnh những yếu tố mang tính chủ ý, những chỉ số khách quan này đã giúp chúng tôi điều hướng trở lại quá trình sản xuất và trình bày nội dung.

nhan-vien-cong-nghe-vnexpress-2400x1600.jpg
Các nhân viên công nghệ theo dõi băng thông (traffic) người dùng truy cập vào hệ thống báo của VnExpress. Hiện độc giả của VnExpress trải rộng trên 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: VnExpress

PV: Ông vừa nói đến việc VnExpress có thể xác định được điểm chạm của từng độc giả, việc này nhìn từ góc độ “tự chủ công nghệ” đã mang lại hiệu quả như thế nào cho VnExpress, thưa ông?

Ông Phạm Hiếu: Báo điện tử vốn không thể tách rời công nghệ mà công nghệ thì thay đổi từng giờ. Do đó, báo phải liên tục nghiên cứu, đưa công nghệ mới vào làm báo. Sự tự chủ về công nghệ đã giúp chúng tôi đón được các xu hướng, tiệm cận với nhu cầu của công chúng và giúp tòa soạn đưa các nội dung đến đúng mục tiêu, một cách thuận tiện nhất.

Hệ thống dữ liệu phân tích người dùng mà VnExpress tự chủ tương đồng với bộ chỉ số của Google Analytics 360. Tuy nhiên có một số lợi thế là: Chúng tôi làm chủ thuật toán, không phụ thuộc vào sự thay đổi không biết trước của bên thứ ba; số liệu realtime nhanh hơn giúp tòa soạn có phản ứng tức thời với các sự kiện nóng; phân loại được từng lớp độc giả trung thành, thường xuyên hay vãng lai; xác định được điểm dừng đọc hay đi tiếp của độc giả.

"Chúng tôi làm chủ thuật toán, không phụ thuộc vào sự thay đổi không biết trước của bên thứ ba; số liệu realtime nhanh hơn giúp tòa soạn có phản ứng tức thời với các sự kiện nóng; phân loại được từng lớp độc giả trung thành, thường xuyên hay vãng lai; xác định được điểm dừng đọc hay đi tiếp của độc giả".

Ông Phạm Hiếu - Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress

Chúng tôi có thể biết một độc giả đọc một bài báo đến đâu. Chẳng hạn, một bài báo 1.000 từ cần đến 4 lần cuộn chuột nhưng nếu phần lớn độc giả chỉ dừng lại ở lần cuộn chuột thứ ba đồng nghĩa chỉ có 75% nội dung bài viết có ích, phần còn lại độc giả không quan tâm. Những “điểm chạm” này cũng gợi ý tòa soạn nên đặt link bài gì tiếp theo, ở vị trí nào để giữ chân độc giả.

Lâu nay, chúng ta làm báo dựa trên kinh nghiệm, nhưng với công nghệ, người làm báo có thêm công cụ để đưa nội dung tiệm cận chính xác hơn với nhu cầu của bạn đọc.

PV: Trong những năm gần đây, khoa học công nghệ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng cũng không phải là ngoại lệ, xin ông đưa ra nhận định về cơ hội và thách thức đối với báo điện tử trong giai đoạn hiện nay?

Ông Phạm Hiếu: Sự phát triển của công nghệ mang lại cho những người làm báo cơ hội sáng tạo không có điểm dừng. Ví dụ năm, bảy năm trước, ít người có thể hình dung ngày nay bạn đọc không chỉ đọc mà còn tương tác với nội dung, thậm chí góp phần tạo ra nội dung gần như tức thì trên mặt báo. Một bài báo điện tử không chỉ có văn bản (text), mà còn có âm thanh (voice), hình ảnh (video), trực quan hóa dữ liệu (data visualization),…

Hay như trước đây, độc giả hay đọc lướt, nên VnExpress ít có bài dài (trên 1.200 từ), nhưng nay với việc sử dụng các hình thức đa phương tiện, tối ưu hóa trải nghiệm và nhu cầu tương tác của độc giả, chúng tôi đã sản xuất những bài báo chất lượng cao trong chuyên mục Spotlight với nhiều điểm chạm, cần nhiều lượt click nhưng độc giả vẫn tiếp nhận.

Không ai biết giới hạn của sự sáng tạo trong công nghệ. Quá trình làm báo là hành trình không có điểm dừng nó không cho phép người làm báo được thỏa mãn. Đó là động lực buộc chúng tôi phải tìm tòi và ứng dụng những cách làm mới, tạo ra không gian mới gợi ý những nhu cầu mới cho công chúng.

"Không ai biết giới hạn của sự sáng tạo trong công nghệ. Quá trình làm báo là hành trình không có điểm dừng nó không cho phép người làm báo được thỏa mãn. Đó là động lực buộc chúng tôi phải tìm tòi và ứng dụng những cách làm mới, tạo ra không gian mới gợi ý những nhu cầu mới cho công chúng".

Ông Phạm Hiếu - Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress

Nhiều người cho rằng, sự chi phối của mạng xã hội như Facebook, Youtube… đang ngày càng làm giảm sức thu hút của báo chí. Vậy báo chí làm thế nào để giữ chân bạn đọc. Đây là một thách thức.

Nhưng tôi cho rằng, chính thách thức này càng khiến báo chí cần giữ đúng giá trị cốt lõi của mình đó là đem lại cho độc giả các nội dung xác tín, đưa độc giả đến gần với sự thật nhất có thể.

Đó vừa là thách thức vừa là cơ hội cho người làm báo chúng tôi.

vne.jpg
Giao diện báo điện tử VnExpress

PV: Tương lai của báo điện tử sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hiếu: Trong bối cảnh sự thay đổi và tác động của công nghệ chóng mặt như hiện nay, rất khó để có thể đưa ra dự báo dài hạn. Nhưng tôi cho rằng, ít nhất có 3 yếu tố mà báo điện tử sẽ thay đổi trong khoảng ba đến 5 năm tới.

Thứ nhất về nội dung: Trong bối cảnh người dùng bị chi phối bởi thông tin khó xác tín từ các nền tảng truyền thông xã hội, báo điện tử sẽ hướng đến những bài viết sâu toàn cảnh, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, với cách trình bày hướng nhiều tới trực quan, đa phương tiện, tương tác và cá nhân hóa.

Mặt khác, các thông tin ngách lại cần đầu tư để có được những tệp nội dung đáp ứng từng nhóm độc giả trung thành. Ở VnExpress hệ thống dữ liệu của chúng tôi gọi họ là lovers. Thông tin đại trà mà độc giả có thể đọc ở bất cứ đâu sẽ không phải là lợi thế của báo điện tử.

"Thông tin đại trà mà độc giả có thể đọc ở bất cứ đâu sẽ không phải là lợi thế của báo điện tử".

Ông Phạm Hiếu - Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress

Thứ hai về công nghệ: Công nghệ sẽ không chỉ dừng lại ở nền tảng xuất bản mà sẽ tham gia ngày càng sâu vào quá trình sản xuất tin bài. Chat GPT, AI trên thực tế đã tham gia vào quá trình này ở các mức độ khác nhau trong từng phân đoạn của người làm báo. Nhưng tới đây AI sẽ tham gia trực tiếp hơn, nhiều hơn.

Việc phân phối nội dung cũng sẽ được thuật toán hóa để bảo đảm nội dung đáp ứng đúng với nhu cầu của độc giả. Thậm chí, sẽ góp phần tạo ra nhu cầu mới, thói quen mới của công chúng.

Thứ ba về kinh doanh: Tôi cho rằng, việc thu phí người dùng là con đường tất yếu. Hiện nay phần lớn nguồn thu của báo điện tử đến từ: quảng cáo, hoạt động truyền thông truyền thống, tổ chức sự kiện. Nhưng nguồn thu từ những phương thức này sẽ ngày càng hạn chế.

"Ở VnExpress chúng tôi thường đặt ra câu hỏi: Vì sao độc giả phải đọc tin của bạn. Tới đây, trên lộ trình thu phí người dùng, câu hỏi đặt ra sẽ là: Vì sao độc giả phải trả tiền để đọc báo của bạn?"

Ông Phạm Hiếu - Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress

Để báo phát triển bền vững, nội dung vẫn là yếu tố cốt lõi có tính sống còn. Do đó, tòa soạn cần phải tổ chức được nhiều nội dung hữu ích, có giá trị thiết thực và khác biệt đáp ứng đúng nhu cầu ngày càng khắt khe của người đọc. Khi đó tôi tin người đọc sẽ sẵn sàng trả phí.

Ở VnExpress chúng tôi thường đặt ra câu hỏi: Vì sao độc giả phải đọc tin của bạn. Tới đây, trên lộ trình thu phí người dùng, câu hỏi đặt ra sẽ là: Vì sao độc giả phải trả tiền để đọc báo của bạn?

Đây sẽ là hành trình không dễ và không nhanh. New York Times là một ví dụ điển hình. Để thu phí thành công như hiện nay họ đã phải trải qua quá trình nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm để xác định hướng đi, phương thức phù hợp.

VnExpress cũng đã và đang trong lộ trình thực hiện việc chuyển đổi nội dung theo hướng này. Chúng tôi xác định đó là hành trình dài và nhiều gian nan nhưng nếu không bắt đầu ngay sẽ muộn.

PV: Theo ông, báo điện tử nói chung và báo điện tử tại Việt Nam nói riêng cần làm gì để có thể vững bước phát triển trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay?

Ông Phạm Hiếu: Báo chí không đầu tư vào công nghệ sẽ rất khó phát triển. Đây là một bài toán khó bởi chi phí cho nhân lực công nghệ rất cao, nhiều khi cao hơn cả chi phí đầu tư phóng viên. Nhưng khi công nghệ là yếu tố cốt lõi cho việc phát triển của báo điện tử thì việc đầu tư công nghệ làm đòn bẩy là điều tất yếu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

--------------------

Tổng Biên tập VietnamPlus: Chú trọng trí tuệ nhân tạo, tăng cường trải nghiệm cho bạn đọc

h14.jpg
Ông Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus

VietnamPlus đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số từ lâu và đến nay vẫn kiên định với quan điểm đặt độc giả ở vị trí trung tâm và độc giả cũng chính là trung tâm của quá trình chuyển đổi số - Tổng Biên tập VietnamPlus Trần Tiến Duẩn khẳng định.

PV: Trong chặng đường 15 năm ra đời và phát triển, VietnamPlus đã để lại dấu ấn mạnh mẽ về một tòa soạn báo điện tử đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất thông tin. Thưa ông, những yếu tố nào đã tạo nên sự độc đáo và thành công của VietnamPlus, nhất là đặt trong bối cảnh VietnamPlus không có bộ phận kỹ thuật riêng?

Ông Trần Tiến Duẩn: 15 năm trước, khi mới ra đời, VietnamPlus đã gặp trục trặc công nghệ suốt 8 tháng cho tới khi thay sang hệ thống quản trị nội dung mới vào tháng 7/2009. Và thật sự từ thời điểm đó, cái tên VietnamPlus luôn gắn liền với những công nghệ làm báo hiện đại. Tổng Biên tập thời kỳ đó là nhà báo Lê Quốc Minh đã sớm nắm bắt xu hướng của báo chí và công nghệ thế giới để liên tục tung ra những dịch vụ mà nhiều năm sau các “đối thủ” trong nước vẫn chưa có được.

Với VietnamPlus, để có được những thành công hôm nay, nhiều phần trong quy trình sản xuất nội dung hiện đại đều sử dụng công cụ trực tuyến, và tất cả phóng viên, biên tập viên đều tự xử lý được mà không hề cần đến nhân viên thiết kế đồ họa hay nhân viên lập trình - từ việc làm các biểu bảng đồ họa tương tác bằng cách sử dụng những công cụ như Infogram hay Visme, làm video bằng công cụ Wochit, cho đến trình bày các bài Megastory bằng công cụ Atavist. Hệ thống quản trị nội dung (CMS) tân tiến của VietnamPlus giúp tin nóng được đẩy lên web với tốc độ tính bằng phút, thậm chí chỉ trong vòng 10-20 giây.

"Với VietnamPlus, để có được những thành công hôm nay, nhiều phần trong quy trình sản xuất nội dung hiện đại đều sử dụng công cụ trực tuyến, và tất cả phóng viên, biên tập viên đều tự xử lý được mà không hề cần đến nhân viên thiết kế đồ họa hay nhân viên lập trình".

Ông Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập VietnamPlus

Ngoài ra, VietnamPlus còn luôn sáng tạo những sản phẩm mới, được làng báo trong nước thừa nhận là tiên phong về áp dụng công nghệ báo chí-truyền thông hiện đại. Cái gì thế giới có là VietnamPlus áp dụng ngay: từ ảnh/video 360 độ, máy bay điều khiển từ xa, thông tin đồ họa tĩnh và đồ họa tương tác, dòng sự kiện timeline, cho đến việc ứng dụng báo chí di động, báo chí bằng công cụ truyền thông xã hội, phong cách trình bày phóng sự dạng Megastory và báo chí dữ liệu; chú trọng sản xuất podcast; khai thác các tính năng Chatbot, Webpush, Mobilepush, Newsletter; phát triển độc giả trên các nền tảng số...

Cách thức viết, biên tập tin của VietnamPlus ngay từ đầu cũng khác biệt với lối viết báo truyền thống phổ biến trong ngành cũng như trong báo chí Việt Nam: gọn gàng, súc tích từ tiêu đề đến nội dung bài và tính đa phương tiện rất cao. Các bài phóng sự điều tra đi đến tận cùng vấn đề, được xây dựng quy mô và cầu kỳ, cả về nội dung và hình thức thể hiện.

plus.jpg
Giao diện báo điện tử VietnamPlus

PV: Theo ông, báo điện tử sẽ có những xu hướng phát triển chính nào trong những năm sắp tới? Những xu hướng đó đặt ra những thách thức và cơ hội nào đối với báo điện tử?

Ông Trần Tiến Duẩn: Truyền thông thế giới những năm qua đã chứng kiến sự dịch chuyển từ các nền tảng truyền thống sang các nền tảng số. Sau kỷ nguyên của cổng thông tin (portal) là sự trỗi dậy của các công cụ tìm kiếm (search engine) và giờ đây là các nền tảng truyền thông xã hội (social media). Việc phát triển các nền tảng số này cũng phù hợp với xu hướng đa định dạng màn hình (multi-screen) như khuyến cáo của Hiệp hội Báo chí và Các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), với sự nổi lên của các video ngắn và quay dọc (vertical) trên các nền tảng TikTok, YouTube Shorts hay Instagram Reels...

Một số xu hướng phát triển của báo điện tử trong những năm gần đây và được dự đoán sẽ tiếp diễn trong tương lai bao gồm: trên các báo điện tử xuất hiện những tác phẩm báo chí có nội dung chuyên sâu hơn, thiết kế bắt mắt hơn, tính tương tác cao hơn; phần lớn bạn đọc tiếp nhận thông tin và tòa soạn sản xuất thông tin bằng các thiết bị di động; mạng xã hội sẽ là công cụ đắc lực giúp báo chí tiếp cận công chúng, tăng tính tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc. Việc sử dụng các công nghệ tương tác để mang đến trải nghiệm độc đáo cho bạn đọc như tham gia trò chơi giải đố, nhập vai dạng thực tế ảo kết hợp Metaverse (Vũ trụ ảo)... cũng được dự báo là rất có triển vọng.

"Trong công cuộc chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần xây dựng mối quan hệ mới với bạn đọc dựa trên yếu tố dữ liệu để vừa giữ chân bạn đọc trung thành, vừa phát triển bạn đọc mới. Thu thập, phân tích dữ liệu bạn đọc sẽ giúp các cơ quan báo chí hiểu rõ hơn công chúng, từ đó đưa ra các chiến lược nội dung, tiến tới tối ưu hóa lợi nhuận từ bạn đọc thông qua việc thu phí, cá nhân hóa quảng cáo, thương mại điện tử"…

Ông Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập VietnamPlus

Đưa công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào quá trình sáng tạo sản phẩm báo chí số đang trở nên phổ biến và ngày càng được các tòa soạn khai thác. Có thể kể đến xu hướng áp dụng công nghệ tòa soạn thông minh, tự động giới thiệu tin tức cho bạn đọc dựa trên hành vi của chính người dùng; hay sử dụng thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để phát triển sản phẩm báo chí cũng như để tạo ra nguồn thu mới cho tòa soạn.

Trong công cuộc chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần xây dựng mối quan hệ mới với bạn đọc dựa trên yếu tố dữ liệu để vừa giữ chân bạn đọc trung thành, vừa phát triển bạn đọc mới. Thu thập, phân tích dữ liệu bạn đọc sẽ giúp các cơ quan báo chí hiểu rõ hơn công chúng, từ đó đưa ra các chiến lược nội dung, tiến tới tối ưu hóa lợi nhuận từ bạn đọc thông qua việc thu phí, cá nhân hóa quảng cáo, thương mại điện tử… Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần có chiến lược riêng cho từng tệp công chúng và tăng cường trải nghiệm cho bạn đọc.

PV: VietnamPlus sẽ có chiến lược phát triển ra sao để bứt phá trong một tương lai như vậy, thưa ông?

Ông Trần Tiến Duẩn: VietnamPlus đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số từ lâu và đến nay vẫn kiên định với quan điểm đặt độc giả ở vị trí trung tâm và độc giả cũng chính là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Cũng từ “vị trí trung tâm” này, các quỹ đạo được mở rộng theo từng giai đoạn, theo những chuyển động của thời cuộc chứ không dừng lại.

VietnamPlus phát triển theo nguyên tắc đề cao giá trị cốt lõi của thông tin, tính chính thống của Thông tấn xã Việt Nam, là báo điện tử đối ngoại quốc gia, chú trọng bảo vệ bản quyền sáng tạo của tác giả, đơn vị, phấn đấu trở thành hình mẫu trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.

Báo tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm báo chí của tòa soạn, đặc biệt trên các nền tảng số, tiến tới việc tăng doanh thu từ video, audio content; đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm báo chí như MC ảo, text-to-voice, video gắn phụ đề tự động, tăng cường trải nghiệm cho độc giả bằng cách cá nhân hóa trang tin...

"VietnamPlus đã hợp tác với công ty công nghệ Insider (từ 2020), Taboola (2022) trong việc thu thập dữ liệu người dùng để chọn lựa chọn những tin tức đặc sắc và gửi trực tiếp cho độc giả qua hình thức Newsletter và Webpush, giúp lan tỏa thông tin cũng như tăng traffic đáng kể, giữ chân và phát triển độc giả trung thành".

Ông Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập VietnamPlus

Chúng tôi chú trọng sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để đánh giá, phân tích đối tượng độc giả, để đưa ra những giải pháp nội dung phù hợp với đối tượng độc giả mà mình đang phục vụ. VietnamPlus đã hợp tác với công ty công nghệ Insider (từ 2020), Taboola (2022) trong việc thu thập dữ liệu người dùng để chọn lựa chọn những tin tức đặc sắc và gửi trực tiếp cho độc giả qua hình thức Newsletter và Webpush, giúp lan tỏa thông tin cũng như tăng traffic đáng kể, giữ chân và phát triển độc giả trung thành.

VietnamPlus cũng đẩy mạnh sản xuất video và podcast, chú trọng đến các nền tảng mới nổi như mạng xã hội TikTok hoặc các thiết bị loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói. Việc phát triển loa thông minh đang là xu hướng khi mà độc giả quá bận rộn không có nhiều thời gian xem tivi, lướt mạng, mà họ có thể ra lệnh bằng thiết bị loa thông minh nghe tin tức thời sự, hoặc nội dung yêu thích bằng điện thoại. Hiện tại, Tòa soạn đang phối hợp Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn để áp dụng cho những nội dung tin tức trên VietnamPlus.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

--------------------

Tổng Biên tập VietNamNet: Báo chí kiến tạo sẽ là tương lai hướng tới của báo chí

h13.jpg
Ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamNet

Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, báo chí sẽ quay lại giá trị cốt lõi của nó, đó là báo chí cần phải có tính xây dựng, báo chí cần phản ánh dòng chảy chính của xã hội. Tương lai của báo điện tử trong thời đại công nghệ số là hướng đến báo chí kiến tạo nghĩa là nhìn sự việc dưới một góc độ tích cực, đưa ra giải pháp nhiều hơn là đi vào phân tích và nêu thực trạng, giảm những thiên kiến cá nhân về góc nhìn đối với sự kiện báo chí.

Đó là những chia sẻ của Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamNet, ông Nguyễn Bá, với phóng viên Báo Nhân Dân về chủ đề “Tương lai báo điện tử trong thời đại công nghệ số”.

PV: VietNamNet là một trong những tờ báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam. Tiền thân là mạng thông tin trực tuyến VASC Orient, sản phẩm thông tin số hóa, được cung cấp miễn phí trên mạng Internet sử dụng công nghệ VASC ICPSoft để quản lý và duy trì nội dung thông tin. Xin ông cho biết trong hơn 20 năm hình thành và phát triển VietNamNet đã làm như thế nào để phát huy thế mạnh và của mình trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất tác phẩm báo chí?

Ông Nguyễn Bá: Nhìn lại lịch sử hơn 20 năm phát triển của VietNamNet, có thể nói VASC ICPSoft là một trong những giải pháp CMS (hệ thống quản trị nội dung) đầu tiên cho báo tiện tử tại Việt Nam, do chính người Việt Nam tự lập trình và phát triển. Giải pháp này đã được trao Cúp vàng Giải thưởng Công nghệ thông tin châu Á-Thái Bình Dương (APICTA) năm 2002, cũng như được nhiều tỉnh, thành phố sử dụng để triển khai cổng thông tin điện tử và các phiên bản online của báo giấy.

Điều đáng nói là từ hơn 20 năm trước, VASC ICPSoft đã được xây dựng và nâng cấp thường xuyên theo hoạt động thực tế hằng ngày của báo VietNamNet, từ nhu cầu xuất bản và cập nhật tin tức liên tục 24/7, hỗ trợ phóng viên tường thuật trực tiếp từ hiện trường, cho phép xuất bản từ bất kỳ nơi nào có Internet, cho tới các yêu cầu về chấm và thống kê nhuận bút, theo dõi lượng truy cập theo thời gian thực ngay trên hệ thống...

Các nhu cầu này liên tục phát sinh theo thực tế phát triển của VietNamNet nói riêng và các trang thông tin điện tử nói chung, nhằm cải tiến phương thức vận hành của các cơ quan báo chí truyền thống và hình thành nên loại hình báo chí mới là báo điện tử.

Xét từ góc độ ứng dụng công nghệ trong giai đoạn đầu những năm 2000, VASC ICPSoft và các hệ thống CMS tương tự là những giải pháp mang tính chuyển đổi số cho cơ quan báo chí, chứ không đơn thuần chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin cho tòa soạn báo.

Đó là bởi các giải pháp này làm thay đổi cách thức vận hành và sản xuất nội dung tin tức của các tòa soạn, thay đổi cách tác nghiệp của phóng viên, cách phát hành ấn phẩm báo chí.

Quan trọng hơn cả là những giải pháp này làm thay đổi thói quen cập nhật tin tức của độc giả. Ngoài việc đọc báo giấy buổi sáng và xem ti-vi nghe đài theo những khung giờ cố định, độc giả còn có thể cập nhật thông tin liên tục từng giờ từng phút qua báo điện tử.

"Mục tiêu của VietNamNet là đến 2025, tờ báo sẽ trở
thành một nền tảng số, ngoài phục vụ cho VietNamNet, còn là ứng dụng để người dân có thể tương tác, gửi thông tin, gửi bài cho báo. Trên cơ sở phục vụ cho VietNamNet, hệ thống này cũng sẽ được hoàn thiện, trở thành sản phẩm đóng gói cung cấp cho các cơ quan báo chí khác. Hướng đến trở thành một tổ chức công nghệ".

Ông Nguyễn Bá - Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamNet

Trong lịch sử gần 25 năm phát triển của VietNamNet, hệ thống quản trị nội dung CMS luôn đóng vai trò trọng yếu trong mọi hoạt động của báo, thường xuyên được nâng cấp để đáp ứng các nhu cầu mới của tòa soạn điện tử, cũng như phục vụ các loại hình nội dung báo chí mới.

Có thể kể đến như các loại hình tường thuật trực tiếp, tọa đàm trực tuyến, tích hợp truyền hình vào báo điện tử, nội dung đa phương tiện, nội dung tương tác (Interactive), eMagazine...

Để đáp ứng được các yêu cầu mới liên tục xuất hiện của tòa soạn điện tử, ngay từ những ngày đầu hoạt động, VietNamNet đã xây dựng và duy trì một trung tâm kỹ thuật chuyên trách nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới cho hệ thống CMS, cũng như vận hành hệ thống hạ tầng mạng lưới và máy chủ.

Các lập trình viên và kỹ thuật viên của trung tâm này thường xuyên nắm bắt nhu cầu sử dụng của từng nhân sự trong tòa soạn để đưa ra những cải tiến hợp lý nhất, cũng như tiếp nhận các yêu cầu thể hiện các loại hình nội dung mới mà tòa soạn đặt ra.

Sau hơn 20 năm đồng hành, hệ thống CMS này đã trở thành một sản phẩm "may đo" dành riêng cho VietNamNet, cũng như kế thừa được toàn bộ quá trình phát triển của một tòa soạn điện tử và những tính năng đặc thù của báo điện tử.

Hiện tại, hệ thống này vẫn không ngừng được cải tiến và phát triển để đáp ứng nhu cầu thể hiện các loại hình nội dung mới đã và đang được VietNamNet nghiên cứu triển khai như Podcast, báo chí thu phí, báo chí dữ liệu, báo chí toàn dân... Đây cũng chính là một trong những mục tiêu chuyển đổi số quan trọng được VietNamNet đặt ra trong thời gian tới.

Trên cơ sở hệ thống này, VietNamNet đã triển khai ứng dụng các công nghệ mới nhất như BigData, AI, ChatGPt vào các hoạt động của tòa soạn, phát triển các sản phẩm mới như Podcast dùng ChatGPT để sản xuất các bản tin và dùng AI để đọc các bản tin podcast đó.

Mục tiêu của VietNamNet là đến 2025, tờ báo sẽ trở thành một nền tảng số, ngoài phục vụ cho VietNamNet, còn là ứng dụng để người dân có thể tương tác, gửi thông tin, gửi bài cho báo. Trên cơ sở phục vụ cho VietNamNet, hệ thống này cũng sẽ được hoàn thiện, trở thành sản phẩm đóng gói cung cấp cho các cơ quan báo chí khác. Hướng đến trở thành một tổ chức công nghệ.

PV: Trong những năm gần đây, khoa học công nghệ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặt ra nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Báo chí nói chung và báo chí điện tử nói riêng cũng không phải là ngoại lệ, xin ông đưa ra nhận định về thời cơ và thách thức đối với báo chí điện tử trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Bá: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mở ra cho báo chí nhiều cơ hội mới. Giờ đây, những người làm báo có những công cụ, hệ thống phần mềm tuyệt vời để hỗ trợ cho công việc hằng ngày của mình, giúp nâng cao hiệu quả công việc, giảm thiểu thời gian tác nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng vẫn có được những tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Tôi thí dụ, trước đây, để sản xuất một tác phẩm báo chí đa phương tiện, các tòa soạn phải đầu tư rất lớn cho máy quay phim, máy chụp hình, trường quay, cần nhiều nhân sự, nhưng hiện tại, chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh trên tay, phóng viên có thể soạn thảo bài longform, chụp và chỉnh sửa ảnh, quay và dựng phim để tạo ra một tác phẩm báo chí xuất sắc.

Hay trước đây, để biết được thông tin mới nhất trên các báo ra ngày hôm nay, ban biên tập các tòa soạn phải có bộ phận “điểm tin”, hằng ngày vào rất nhiều báo bạn để đọc, thống kê lại thì hiện nay các hệ thống phần mềm với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP dễ dàng thực hiện công việc đó với độ chính xác cao và cập nhật thông tin theo thời gian thực.

"Công nghệ cũng giúp cho các tòa soạn biết được chính xác độc giả của mình là ai, giới tính là gì, bao nhiêu tuổi, nghề nghiệp, sở thích của họ là gì… từ đó biết được nhu cầu của họ để sản xuất và phát hành các tác phẩm báo chí đến đúng đối tượng mà tác phẩm muốn hướng đến".

Ông Nguyễn Bá - Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamNet

Công nghệ cũng giúp cho các tòa soạn biết được chính xác độc giả của mình là ai, giới tính là gì, bao nhiêu tuổi, nghề nghiệp, sở thích của họ là gì… từ đó biết được nhu cầu của họ để sản xuất và phát hành các tác phẩm báo chí đến đúng đối tượng mà tác phẩm muốn hướng đến.

Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ cũng có những thách thức ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí như sự tràn lan của tin giả. Xét ở khía cạnh nào đó thì việc này cũng mang lại cho báo chí cơ hội lớn trong việc kiểm chứng và đưa đến cho độc giả của mình thông tin chính xác.

Những cơ quan báo chí có tỷ lệ tin gốc thấp, chỉ “tổng hợp”, “xào bài” thì cũng rất khó để tồn tại và phát triển bởi việc tổng hợp và sản xuất tin bài trên những nội dung có sẵn, theo khuôn mẫu thì AI làm tốt hơn và hoàn toàn thay thế được con người.

PV: Xin ông chia sẻ về những nhận định của mình về tương lai của báo chí điện tử? Báo chí điện tử nói chung và báo chí điện tử tại Việt Nam nói riêng cần làm gì để có thể vững bước phát triển trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay?

Ông Nguyễn Bá: Báo điện tử sẽ là trung tâm và đóng vai trò dẫn dắt trong thời gian tới bởi báo điện tử có thể tận dụng được tất cả những cơ hội nhờ sự phát triển của công nghệ và khắc phục được rất nhiều khó khăn của các loại hình báo chí khác trong việc thu thập, sản xuất và phân phối thông tin.

Hiện tại, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc giúp cho mọi người, mọi nhà có thể truy cập và đọc tin tức trên các báo điện tử. Đây là những thuận lợi mà không loại hình báo chí nào có được.

Trước đây, có thời gian chúng ta bị thiếu thông tin, sự phát triển của mạng internet đã góp phần rất lớn giúp cho bạn đọc có thể tiếp cận với nhiều tin tức hơn, có những tin tức mà bạn đọc cần có thể tiếp cận kịp thời hơn.

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển quá mạnh thì cũng đạt tới mức độ bão hòa của thông tin. Bạn đọc cảm thấy như bị lạc giữa một rừng thông tin, lúc này họ rất cần được cung cấp những thông tin cần và thông tin đủ.

"Thay vì câu chuyện báo chí trước đây chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin thì báo chí trong giai đoạn này phát triển thêm một bước nữa là chọn lọc thông tin. Giữa hàng nghìn, hàng triệu thông tin, báo chí chọn ra những thông tin đúng bảo đảm được yếu tố khách quan, đầy đủ có tính tích cực và cung cấp cho bạn đọc những thông tin đó".

Ông Nguyễn Bá - Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamNet

Như vậy, thay vì câu chuyện báo chí trước đây chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin thì báo chí trong giai đoạn này phát triển thêm một bước nữa là chọn lọc thông tin. Giữa hàng nghìn, hàng triệu thông tin, báo chí chọn ra những thông tin đúng bảo đảm được yếu tố khách quan, đầy đủ có tính tích cực và cung cấp cho bạn đọc những thông tin đó.

Mỗi tờ báo đều có định hướng và tôn chỉ mục đích của mình, khi ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho họ hiểu độc giả rồi thì họ sẽ bám sát vào những điều độc giả mong muốn để cung cấp thông tin tốt nhất. Khi báo chí phát huy được những giá trị đó nó sẽ giúp đẩy lùi những thông tin tiêu cực.

Mặt khác, với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, thì báo chí sẽ quay lại giá trị cốt lõi của nó, đó là báo chí hướng đến sự tích cực, tính xây dựng. Báo chí cần phản ánh dòng chảy chính của xã hội. Trên thế giới có một thuật ngữ đó là báo chí kiến tạo, nghĩa là nhìn sự việc dưới góc độ tích cực, trung thực, đa chiều, đưa ra giải pháp nhiều hơn là đi vào nêu thực trạng, giảm những thiên kiến cá nhân về góc nhìn. Đây sẽ là xu hướng báo chí trong thời gian tới.

Trong tương lai, dù công nghệ có phát triển như thế nào thì báo chí vẫn cần phải tập trung vào những giá trị cốt lõi của mình đó là nhân văn, chính xác và khách quan. Đó là những giá trị của báo chí mà các “đối thủ” của báo chí như mạng xã hội, các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT không bao giờ có được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày xuất bản: 21/6/2023
Tổ chức thực hiện: NGÔ VIỆT ANH
Thực hiện: BÔNG MAI, HOÀNG HÀ, THANH TRÀ, TRUNG HIẾU, NAM NGUYỄN

Báo Nhân Dân