EC kêu gọi các nước thành viên đóng góp nhiều hơn vào ngân khố chung
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:34, 21/06/2023
Biểu tượng đồng euro phía trước trụ sở ECB tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 20/6, Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) đóng góp thêm vào ngân khố chung của khối thông qua nguồn doanh thu riêng mới được tính toán trên cơ sở lợi nhuận của các công ty hoạt động tại mỗi nước.
Lời kêu gọi được đưa ra khi EC xem xét ngân sách dài hạn của EU, chiếm khoảng 1% GDP của khối tương đương 16.000 tỷ euro (17.500 tỷ USD) và chi trả cho nhiều chính sách chung của châu Âu.
Việc xem xét ngân sách cần thiết để tính toán những tác động của đại dịch COVID-19 toàn cầu, xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lạm phát phi mã và lãi suất tăng mạnh trong ngân sách chung 2021-2027.
EC cho biết đây không phải là thuế doanh nghiệp, cũng không phải là việc tăng chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp.
Đây sẽ là khoản đóng góp quốc gia do các thành viên chi trả trên cơ sở tổng lợi nhuận thặng dư sau hoạt động đối với các lĩnh vực của các tập đoàn tài chính và phi tài chính.
Phí suất tín dụng cao hơn đáng kể, tăng lên khi lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng từ mức âm lên 3,5% trong vòng chưa đầy một năm, nghĩa là chi phí trả khoản vay 800 tỷ euro của EU cho kế hoạch phục hồi sau đại dịch đã tăng gần gấp đôi lên 30 tỷ euro.
EC đề xuất rằng 0,5% cơ sở lợi nhuận danh nghĩa của các công ty EU, một chỉ số được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) tính toán trên cơ sở thống kê tài khoản quốc gia, cần được các chính phủ thành viên EU rót vào ngân khố của các quốc gia.
Theo ước tính của EC, khoản đóng góp như vậy từ các chính phủ sẽ mang lại doanh thu từ năm tới khoảng 16 tỷ euro/năm theo giá 2018.
Tháng 12/2021, EC đã đề xuất 3 nguồn doanh thu mới cho EU để giúp hoàn trả kế hoạch phục hồi chung sau đại dịch COVID-19, bao gồm một phần doanh thu mà các chính phủ có được từ Hệ thống mua bán khí thải (ETS), thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ các quốc gia có tiêu chuẩn khí thải thấp hơn ở EU và từ thuế đối với các tập đoàn lớn nhất thế giới được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chấp nhận.
Ngày 26/4, EU đã công bố đề xuất cải cách các quy định tài khóa, vốn được mong đợi từ lâu và cũng là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các nước thành viên của khối xoay quanh việc làm sao để vừa khuyến khích đầu tư vừa đảm bảo giám sát đầy đủ chi tiêu của các chính phủ.
EC đã trình bày về các đề xuất cải cách nhằm đơn giản hóa các quy định phức tạp được biết đến với tên gọi là Hiệp định ổn định và phát triển. Bộ quy định này cho phép giới hạn số tiền mà các thành viên EU có thể vay.
Các ý kiến phản đối cho rằng các quy định đã không thể ngăn chặn tình trạng nợ công tăng tại 27 nước thành viên và cần được cải cách để phù hợp với thực tế tại các nền kinh tế đa dạng trong khối.
Hiệp định này đang được đình chỉ tạm thời để các nước ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.
EC đặt mục tiêu tham vọng là sẽ hoàn tất đàm phán về đề xuất cải cách này vào cuối năm nay nhưng nhiều khả năng mục tiêu này sẽ không trở thành hiện thực trong bối cảnh tồn tại chia rẽ giữa các nước thành viên EU, đặc biệt giữa các nước ở Bắc Âu như Đức và Nam Âu như Italy./.