Liên hợp quốc viện trợ lương thực khẩn cấp cho người dân Nigeria
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:45, 21/06/2023
Người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sơ tán tới nơi ở tạm tại Ahoada, Nigeria, ngày 21/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phó phát ngôn viên Farhan Haq của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 20/6 cho biết Liên hợp quốc đã phân bổ 20 triệu USD cho một chiến dịch dinh dưỡng và an ninh lương thực khẩn cấp ở Đông Bắc Nigeria, khu vực đang bị nạn đói hoành hành.
Ông Farhan nói rằng với 9 triệu USD từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung ương và 11 triệu USD từ Quỹ Nhân đạo Nigeria, Liên hợp quốc sẽ hỗ trợ các nỗ lực ứng phó do chính phủ Nigeria thực hiện tại các bang Borno, Adamawa và Yobe.
Ông cho biết thêm việc hỗ trợ bao gồm cung cấp thực phẩm, bữa ăn sẵn, tạo điều kiện tiếp cận với nước sạch, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nông nghiệp.
Trích dẫn báo cáo từ các đối tác nhân đạo, quan chức Liên hợp quốc này nhấn mạnh gần 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi có thể bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, đe dọa tính mạng trong năm nay ở khu vực Đông Bắc Nigeria và hơn 500.000 người có thể phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp trong mùa giáp hạt từ tháng 6 đến tháng 8.
Ông nói: “Khoản tài trợ khẩn cấp sẽ giúp khởi động công tác ứng phó, nhưng các đối tác nhân đạo cần nhiều hơn nữa để ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng lan rộng.”
Người phát ngôn Liên hợp quốc này cũng cho biết kế hoạch ứng phó nhân đạo trị giá 1,3 tỷ USD cho Nigeria trong năm nay mới chỉ được giải ngân 26%.
Các nhà nhân đạo cho rằng bạo lực từ các nhóm vũ trang và tác động của biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực ở Đông Bắc Nigeria.
Trước đó, Liên hợp quốc vừa đưa Haiti, khu vực Sahel, trong đó có Burkina Faso và Mali, cùng Sudan vào danh sách các khu vực cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực cao nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có hành động "khẩn cấp."
Tuyên bố trên được Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đưa ra ngày 29/5.
Động thái trên được đưa ra sau những hạn chế nghiêm trọng đối với việc di chuyển của người dân và việc vận chuyển hàng hóa tại Burkina Faso và Mali - nơi các phần tử cực đoan thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công, ở Haiti - vốn đang hứng chịu khủng hoảng, cùng Sudan - nơi chúng kiến xung đột bùng phát gần đây.
Trong báo cáo chung, FAO và WFP cho biết ngoài 4 nước trên, các nước Afghanistan, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Yemen vẫn nằm trong danh sách cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực cao nhất.
Tất cả "điểm nóng" trong danh sách này đều có điểm chung là các cộng đồng đang hoặc sẽ phải đối mặt với nạn đói hoặc có thể lâm vào tình trạng thảm khốc, đòi hỏi "chú ý khẩn cấp nhất."
Báo cáo nhấn mạnh nguy cơ khủng hoảng hiện nay tại Sudan lan rộng, đồng thời nêu rõ hiện tượng El Nino đang làm dấy lên nhiều lo ngại về các hiện tượng thời tiết cực đoan tại những quốc gia dễ tổn thương trên toàn cầu./.