Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận
Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin.
Có quy định toàn diện, đầy đủ
Ở Việt Nam, ngay từ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng đầu đã giương cao ngọn cờ đòi quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946 đã hiến định tại Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung, Hiến pháp các năm 1959, 1980, 1992 và gần đây là Hiến pháp năm 2013 luôn nhất quán khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.
Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ngày càng được hiện diện trong thực tiễn cuộc sống, năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí. Trong đó, Điều 3, Luật Tiếp cận thông tin quy định: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân.
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Điều 10 của luật này cũng quy định công dân có quyền tự do tiếp cận thông tin được cơ quan Nhà nước công khai, đồng thời được yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin.
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời được triển khai thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được quy định tại Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 với 3 nội dung cụ thể, gồm: Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân.
Đặc biệt, Điều 13 luật này nêu rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.
Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.
Như vậy, về mặt pháp lý, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của công dân ở Việt Nam đã được quy định toàn diện, đầy đủ, với những nội dung cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện trong cuộc sống.
Không chỉ về phương diện pháp lý mà trong thực tiễn, tự do báo chí ở Việt Nam cũng được biểu hiện sinh động. Nền báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình, quy mô, công nghệ làm báo.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 5/2023, cả nước có 808 cơ quan báo chí (trong đó có 138 báo, 670 tạp chí) và 42.400 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, gấp khoảng 6 lần so với thập niên 2000.
Báo chí hiện đại trong những năm gần đây, cùng sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông số đã tăng cường tính tương tác với công chúng. Trên các báo điện tử đều mở phần bình luận cho người đọc.
Các kênh phát thanh, truyền hình đều có những chương trình phát sóng trực tiếp, có số điện thoại đường dây nóng để người nghe, người xem gọi điện tương tác ngay khi chương trình đang diễn ra.
Thông qua báo chí, Nhân dân cũng có diễn đàn để trình bày những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng đối với Đảng, Nhà nước, đồng thời phản biện, đề xuất những ý kiến tâm huyết với Đảng, Nhà nước.
Cả trên phương diện pháp lý và hoạt động thực tiễn, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam đều được thể hiện rõ ràng, luôn gắn với quy định pháp luật, luôn hướng tới mục đích phụng sự Nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Tự do báo chí ở Việt Nam không phải là báo chí tự do theo ý chí cá nhân, mà là tự do xây dựng vì những mục tiêu tốt đẹp, vì trách nhiệm chân chính với cộng đồng, vì một thể chế chính trị-xã hội của dân, do dân, vì dân.
Tiếp tục bảo đảm thực thi quyền tự do báo chí
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc bảo đảm, thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để khơi dậy, phát huy ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, sức mạnh tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Mặt khác, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn có tinh thần cầu thị, tích cực tiếp thu, học hỏi, tham khảo những kinh nghiệm tiến bộ của các quốc gia khác để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho đại đa số người dân.
Tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam cũng được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam. Trong khi đó, sóng của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam.
Một thực tế không thể phủ nhận về việc bảo đảm quyền tự do thông tin, tự do báo chí ở Việt Nam là truyền thông quốc tế, khi đề cập tới những “bí quyết” giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả các đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2020, đã nhiều lần nhắc tới yếu tố "thông tin minh bạch, rõ ràng."
Các cơ quan báo chí được cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các ca lây nhiễm cũng như các biện pháp mà chính phủ đang triển khai thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh.
Nhiều tờ báo nước ngoài cũng đánh giáo cao việc Chính phủ Việt Nam sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ thông tin để cập nhật tình hình dịch bệnh cùng những khuyến cáo đối với người dân trong việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Việc một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sử dụng thủ đoạn xuyên tạc, vu khống, bịa đặt tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã cho thấy họ vẫn đang nỗ lực phá hoại hệ thống giá trị văn hóa, làm tha hóa con người, làm chệch hướng phát triển đất nước; qua đó tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Dù có cố gắng đến đâu thì các thế lực thù địch cũng không thể đảo ngược được thực tế, không thể ngăn cản được con đường đi lên XHCN của dân tộc Việt Nam. Sự thật chỉ có một, đó là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền báo chí Việt Nam nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung với vị thế, vai trò ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.