Liên minh châu Âu gặp trở ngại trong kế hoạch cải cách thị trường điện

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:42, 19/06/2023

Một số nước EU đề xuất cần một lịch trình linh hoạt hơn cho việc ngừng sử dụng than trong nhiệt điện cũng như cần thời gian để hỗ trợ các ngành công nghiệp mới mà lâu nay phụ thuộc vào than.

Lien minh chau Au gap tro ngai trong ke hoach cai cach thi truong dien hinh anh 1Khí thải phát ra từ một nhà máy nhiệt điện ở Bulgaria ngày 29/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kế hoạch cải cách thị trường điện của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã vấp phải trở ngại sau khi Thụy Điển đưa ra một đề xuất kéo dài trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than.

Bộ trưởng Năng lượng các nước EU nhóm họp tại Luxembourg vào ngày 19/6 nhằm đạt được quan điểm chung về các quy tắc mới đối với thị trường điện của khối, nhắm đến việc mở rộng nguồn cung điện phát thải ít carbon và tránh để tái diễn cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm 2022 khi người dân phải chi trả hóa đơn năng lượng đắt đỏ do giá khí đốt ở mức cao kỷ lục.

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm 2022 nói trên, EU đã đưa ra đề xuất cải cách thị trường điện với mục tiêu chuyển đổi hệ thống điện theo hướng sử dụng năng lượng sạch.

Các nước EU cho rằng các cơ sở năng lượng tái tạo mới và được nhà nước trợ cấp cùng với các nhà máy điện hạt nhân phát thải carbon thấp cần duy trì hợp đồng giá cố định, qua đó nhằm bình ổn hơn nữa giá điện.

Tại cuộc họp nói trên, các bộ trưởng cần thảo luận và đi đến thống nhất các chi tiết cho cải cách này, chẳng hạn như cách thức chi tiêu bất kỳ khoản doanh thu nào từ các dự án trợ cấp.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề này đã trở nên phức tạp sau khi Thụy Điển, nước đóng vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong tháng 6 này, đưa ra một đề xuất muộn màng, cho phép các nước thành viên kéo dài cơ chế trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than.

Nói cách khác, các nước sẽ tiếp tục nhận được trợ cấp để duy trì đủ năng lượng sản xuất điện dự trữ nhằm tránh xảy ra tình trạng mất điện. 

Theo đề xuất nói trên của Thụy Điển, Ba Lan là nước có thể kéo dài hệ thống trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than của họ sau năm 2025. Tuần trước, Ba Lan nói rằng ý tưởng kéo dài trợ cấp như vậy nhận được sự ủng hộ của đa số.

Tuy nhiên, giới chức EU cho biết một số nước thành viên đã phản đối đề xuất kéo dài trợ cấp, viện dẫn những quan ngại về môi trường.

Sự phản đối này khiến các nước EU khó có thể đạt được sự đồng thuận về kế hoạch cải cách thị trường điện toàn diện nói trên.

Trong trường hợp các nước EU đạt được sự đồng thuận, họ cần phải thương lượng với Nghị viện châu Âu về đề cương cuối cùng cho kế hoạch cải cách thị trường điện của khối.

Sau đó, đề cương này sẽ được thông qua thành luật trước khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào năm tới. 

Than là nguồn nhiên liệu hóa thạch thải ra CO2 nhiều nhất. Các nhà khoa học cho rằng cần phải giảm mạnh việc sử dụng than trong thập kỷ này nếu thế giới muốn tránh những tác động nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Một số nước EU cho rằng họ cần một lịch trình linh hoạt hơn trong việc ngừng sử dụng loại nhiên liệu này cũng như cần có thời gian để hỗ trợ các ngành công nghiệp mới mà lâu nay phụ thuộc vào than.

Một quan chức cấp cao của EU cho rằng việc chậm chễ đưa ra những quy định với về sử dụng than chỉ được phép "dựa theo những điều kiện rất cụ thể."

Quan chức này nói rằng các nước EU kỳ vọng các bộ trưởng sẽ thông qua kế hoạch cải cách thị trường điện, nhưng không rõ có thể đạt được nỗ lực này hay không./.

Nguyễn Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguyễn Hà (TTXVN/Vietnam+)