IATA: Hàng không toàn cầu đang phục hồi ấn tượng

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 17:48, 19/06/2023

Năm 2023, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng vọt, trở về gần mức trước đại dịch và lợi nhuận của ngành hàng không toàn cầu sẽ tăng cao hơn dự báo trước đó.
Các chuyến bay quốc tế đã gần trở về mức trước đại dịch. (Ảnh: N.T)
Các chuyến bay quốc tế đã gần trở về mức trước đại dịch. (Ảnh: N.T)

Tăng trưởng ấn tượng

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng từ mức 3,39 tỷ lượt người trong năm 2022 lên 4,35 tỷ lượt người trong năm 2023, đạt 96% mức 4,54 tỷ người của năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không được dự báo tăng trên toàn thế giới, trong đó nhu cầu đi lại bằng các hãng hàng không ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được cho là cao nhất, tới 63%, do tất cả các nước trong khu vực đều dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19.

IATA cũng nâng ước tính lợi nhuận của ngành hàng không trong năm 2023, theo đó lợi nhuận ròng của ngành này trong năm 2023 có thể đạt 9,8 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với dự báo 4,7 tỷ USD trước đó. Tổng doanh thu của ngành hàng không trong năm 2023 cũng được dự báo tăng 9,7% lên 803 tỷ USD, tương đương gần 96% so với mức của năm 2019.

Bất chấp những hạn chế về năng lực khác nhau trong giai đoạn mùa hè, các hãng vận tải châu Âu đã có thể có lãi trở lại vào năm 2022. Và khả năng sinh lời của hàng không châu Âu sẽ tiếp đà tăng hơn nữa vào năm 2023.

Bắc Mỹ vẫn là khu vực nổi bật về hiệu quả tài chính. Chi tiêu của người tiêu dùng tại khu vực này vẫn ổn định bất chấp áp lực chi phí sinh hoạt và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vẫn mạnh mẽ. Do đó, nhu cầu hành khách hàng không được dự báo sẽ vượt mức trước Covid-19 (2019) trong năm nay. IATA ước tính, hàng không của khu vực Bắc Mỹ sẽ đạt 11,5 tỷ USD lợi nhuận ròng trong năm nay.

IATA đánh giá, bất chấp những hạn chế về năng lực khác nhau trong giai đoạn mùa hè, các hãng vận tải châu Âu đã có thể có lãi trở lại vào năm 2022. Và khả năng sinh lời của hàng không châu Âu sẽ tiếp đà tăng hơn nữa vào năm 2023. Mặc dù vậy vẫn có một số rủi ro với đà tăng tại khu vực như cuộc xung đột Nga-Ukraine, bất ổn lao động và những lo ngại về tình hình kinh tế tại một số nền kinh tế chính của khu vực.

Trong khi đó, khu vực Trung Đông có lợi nhuận tăng ấn tượng với 25 điểm phần trăm, vượt xa các khu vực khác. Mức kết nối đường bay quốc tế tại khu vực này đã đạt 98% mức trước đại dịch.

IATA: Hàng không toàn cầu đang phục hồi ấn tượng ảnh 1
Niềm tin vào hàng không của hành khách đã trở lại. (Ảnh: N.T)

Với việc các nền kinh tế trong khu vực đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại do Covid-19, báo cáo của IATA cho biết hàng không tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ. Sự gia tăng mạnh về cả lượng hành khách và sức chứa ​​sẽ được minh chứng bằng sự cải thiện đáng kể về kết quả tài chính năm 2023 và thu hẹp khoảng cách với các khu vực khác.

Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh cho biết, “Hiệu quả tài chính của các hãng hàng không vào năm 2023 đang vượt qua kỳ vọng. Lợi nhuận cao hơn nhờ một số tiến triển. Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 sớm hơn dự kiến ​​trong năm. Doanh thu vận tải hàng hóa bằng đường hàng không vẫn ở trên mức trước đại dịch mặc dù khối lượng không tăng. Và, về mặt chi phí, có một số hỗ trợ. Giá nhiên liệu máy bay mặc dù vẫn ở mức cao nhưng đã được điều chỉnh trong nửa đầu năm nay”.

Sự trở lại của lợi nhuận ròng, ngay cả với biên lợi nhuận ròng 1,2%, là một thành tựu lớn. Thứ nhất, lợi nhuận ròng trở lại tại thời điểm có nhiều bất ổn kinh tế nghiêm trọng. Và thứ hai, sự quay trở lại xảy ra sau đợt lỗ sâu nhất trong lịch sử ngành hàng không (183,3 tỷ USD lỗ ròng trong giai đoạn 2020-2022 với biên lợi nhuận ròng trung bình là -11,3% trong giai đoạn đó).

Cần lưu ý rằng ngành hàng không bước vào cuộc khủng hoảng Covid-19 khi kết thúc chuỗi lợi nhuận lịch sử với biên lợi nhuận ròng trung bình là 4,2% cho giai đoạn 2015-2019.

“Những bất ổn về kinh tế không làm giảm mong muốn đi lại, ngay cả khi giá vé bao gồm cả chi phí nhiên liệu tăng cao. Sau những tổn thất nặng nề do Covid-19 gây ra, thậm chí biên lợi nhuận ròng là 1,2% cũng là điều đáng mừng”, ông Walsh nói.

Dữ liệu thăm dò hành khách tháng 5/2023 của IATA chứng minh rõ triển vọng lạc quan này, với 41% hành khách cho biết họ dự kiến ​​sẽ đi du lịch nhiều hơn trong 12 tháng tới so với năm trước và 49% dự kiến ​​sẽ vẫn duy trì mức độ đi lại. Thêm vào đó, 77% số người được hỏi cho biết họ đã đi du lịch nhiều hoặc nhiều hơn so với trước đại dịch.

Các khuyến nghị phục hồi bền vững

Tuy nhiên, IATA cho rằng vẫn có một số rủi ro kinh tế và địa chính trị đối với triển vọng của ngành hàng không. Theo đó, việc các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất để chống lạm phát và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể tác động tiêu cực đối với ngành hàng không toàn cầu.

Hành khách đang trông đợi vào một ngành hàng không an toàn, bền vững, hiệu quả và có lợi nhuận.

Theo Tổng Giám đốc IATA, “khả năng phục hồi là câu chuyện hiện tại và có nhiều lý do chính đáng để lạc quan. Đạt được lợi nhuận ở cấp độ ngành sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra sâu sắc sẽ mở ra nhiều tiềm năng cho các hãng hàng không để thưởng cho các nhà đầu tư, tài trợ cho sự bền vững và đầu tư vào hiệu quả để kết nối thế giới hiệu quả hơn nữa. Đó là một danh sách “việc cần làm” lớn cần đạt được chỉ với biên lợi nhuận ròng 1,2%. Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi các chính phủ tiếp tục tập trung vào các sáng kiến ​​giúp tăng cường kết nối an toàn, bền vững, hiệu quả và có lợi”.

Hành khách đang trông đợi vào một ngành hàng không an toàn, bền vững, hiệu quả và có lợi nhuận. Một cuộc thăm dò được IATA tiến hành từ ngày 26/4 đến ngày 3/5/2023 đối với 47.000 hành khách tại 11 thị trường (Australia, Canada, Chile, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, UAE, Mỹ và Anh) cho thấy: 81% số người được hỏi đánh giá cao hơn về sự tự do mà những chuyến bay mang lại.

Nghiên cứu tương tự cũng chứng minh vai trò quan trọng của ngành hàng không theo suy nghĩ của khách hàng. Theo đó, 90% hành khách cho rằng kết nối bằng đường hàng không rất quan trọng đối với nền kinh tế; 91% cho rằng di chuyển bằng máy bay là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hiện đại; 88% cho rằng vận tải hàng không có tác động tích cực đến xã hội; 82% cho rằng mạng lưới vận tải hàng không toàn cầu là yếu tố đóng góp chính cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs); 96% bày tỏ sự hài lòng với chuyến bay gần nhất của họ; 77% nói rằng đi máy bay rất “đáng đồng tiền bát gạo”.

Tổng Giám đốc IATA khuyến nghị: “Các ưu tiên cho năm 2023 bao gồm các biện pháp khuyến khích sản xuất SAF để đẩy nhanh tiến độ hướng tới lượng khí thải carbon bằng không, bảo đảm tính toàn vẹn của CORSIA như một biện pháp kinh tế áp dụng cho ngành hàng không quốc tế, loại bỏ sự thiếu hiệu quả trong quản lý không lưu và áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu một cách nhất quán”.

N.T