Nguy cơ vượt giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:30, 19/06/2023

Nhiều kỷ lục về mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu đã bị xô đổ. Thực trạng này kéo theo những tác động sâu rộng đối với sức khỏe con người, nguồn nước, môi trường và an ninh lương thực.

Vùng Siberia của Nga, vốn là một trong những nơi lạnh nhất trên thế giới, đã trở thành khu vực có nhiệt độ tăng nhanh hàng đầu hành tinh. Ðầu tháng 6 vừa qua, Siberia hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong lịch sử với nhiệt độ lên đến gần 40 độ C.

Theo chương trình theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), những ngày đầu tháng 6 vừa qua, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp. Ðây là giới hạn được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để ngăn chặn những tác động không thể đảo ngược đối với môi trường.

CNN dẫn lời chuyên gia khí hậu Maximiliano Herrera cho biết, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn và kỷ lục có thể tiếp tục bị phá vỡ nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được ngăn chặn kịp thời.

Trong khi đó, chương trình theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh, những đợt nắng nóng dữ dội tại vùng Siberia tác động tiêu cực đến thiên nhiên và cuộc sống của người dân.

Theo Copernicus, những ngày đầu tháng 6 vừa qua, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp. Ðây là giới hạn được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để ngăn chặn những tác động không thể đảo ngược đối với môi trường.

Phó Giám đốc Chương trình Copernicus Samantha Burgess nhấn mạnh, nhiệt độ toàn cầu tạm thời tăng quá giới hạn không có nghĩa là mục tiêu của Hiệp định Paris đã bị phá vỡ, bởi vi phạm chỉ được xác định khi mức tăng duy trì trong thời gian đủ dài như vài thập niên. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy một thực trạng đáng lo ngại rằng sức khỏe của hành tinh đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.

Các nhà khoa học cảnh báo, những kỷ lục buồn nêu trên chỉ là sự khởi đầu cho một giai đoạn nóng lên nhanh chóng của Trái đất. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, thế giới sẽ chứng kiến nhiệt độ tăng mạnh trong 5 năm tới.

Theo dự báo của WMO, có tới 98% xác suất năm nóng nhất sẽ rơi vào giai đoạn 2023-2027 và Trái đất sẽ ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ trung bình trong quãng thời gian này.

Trong khi đó, sự xuất hiện trở lại của El Nino càng làm nguy cơ nắng nóng gia tăng trở nên rõ ràng hơn. Bà Samantha Burgess nhận định, nhiệt độ năm 2024 sẽ cao hơn năm nay khi El Nino bước vào giai đoạn phát triển.

Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) nhận định, tình trạng Trái đất ấm lên sẽ kéo theo trạng thái "bình thường mới" tại châu Âu. Ðó là sự xuất hiện dày đặc hơn các đợt nắng nóng cực đoan, hạn hán và cháy rừng ở Nam Âu, lũ lụt ở Tây Bắc và Trung Âu... Ðáng lo ngại, các mầm bệnh cũng từ đó mà ngày càng sinh sôi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiệt độ tăng có thể dẫn đến nhiều bệnh và các ca tử vong.

Ngoài ra, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, El Nino kéo theo những điều kiện thời tiết nóng và khô hơn sẽ khiến lượng dự trữ gạo của thế giới giảm 5%, xuống còn 173,5 triệu tấn trong niên vụ này. Thời tiết khắc nghiệt gây hậu quả nghiêm trọng đối với "vựa lúa gạo" châu Á. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã yêu cầu nông dân giảm vụ thứ hai do lượng mưa thấp hơn.

Những mức tăng nhiệt kỷ lục là lời cảnh báo, đồng thời cũng là động lực để thế giới đẩy nhanh các nỗ lực bảo vệ Trái đất. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tăng tốc chống biến đổi khí hậu bằng việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo.

TIẾN DŨNG