Việt Nam có thể cung ứng cho Bờ Biển Ngà các mặt hàng cần nhập khẩu

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:10, 15/06/2023

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất trong thời gian tới, hai bên có thể xem xét thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và hợp đồng giá cố định phí ưu đãi (PTA) song phương.

Viet Nam co the cung ung cho Bo Bien Nga cac mat hang can nhap khau hinh anh 1Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Việt Nam luôn coi Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) là một trong những đối tác thương mại hàng đầu tại châu Phi; đánh giá cao vai trò, vị trí của Bờ Biển Ngà là một trung tâm kinh tế, thị trường trung chuyển quan trọng tại khu vực Tây Phi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định như vậy tại buổi tiếp Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo sáng 15/6, tại trụ sở Bộ Công Thương nhân chuyến thăm chính thức tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin đến ngài Chủ tịch Quốc hội về sự phát triển kinh tế Việt Nam và tình hình hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà.

Việt Nam hiện có năng lực sản xuất và xuất khẩu rất lớn đối với nhiều mặt hàng như gạo, nông sản, thủy sản, may mặc, giày dép, sắt thép, vật tư ngành viễn thông, xây dựng, đồ gia dụng và nhiều ngành hàng tiêu dùng cơ bản, thiết yếu... Đặc biệt, Việt Nam hoàn toàn có thể cung ứng cho Bờ Biển Ngà những mặt hàng mà Bờ Biển Ngà cần nhập khẩu.

Bờ Biển Ngà là một trong hai thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi từ nhiều năm nay (cùng với Ghana). Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà, gạo thường chiếm khoảng 80%.

Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt khối lượng hơn 656.000 tấn, trị giá gần 295 triệu USD; chủng loại gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng, gạo thơm và gạo tấm.

Bờ Biển Ngà là một trong những nước cung cấp hạt điều thô lớn cho Việt Nam. Thống kê cho thấy kim ngạch nhập khẩu hạt điều thô của Việt Nam từ Bờ Biển Ngà thường chiếm 20-30% tổng giá trị nhập khẩu hạt điều thô của Việt Nam từ thế giới.

Với vị thế của Bờ Biển Ngà tại khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất trong thời gian tới, hai bên có thể xem xét thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và hợp đồng giá cố định phí ưu đãi (PTA) song phương.

Đặc biệt, Bờ Biển Ngà có thể là cầu nối để Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi cùng thúc đẩy nghiên cứu khả năng đàm phán FTA/PTA, mở ra cơ hội lớn cho thương mại giữa Việt Nam và khối kinh tế nhiều tiềm năng này.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng hai bên cần dành cho nhau sự quan tâm nhiều hơn, cùng phối hợp xây dựng một kế hoạch hợp tác tốt hơn.

Từ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đến tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà một số giải pháp.

Cụ thể hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đoàn doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp cũng như tham dự các hội chợ, triển lãm tổ chức tại mỗi nước.

Phía Việt Nam đề nghị Bờ Biển Ngà tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tham dự một số sự kiện thương mại lớn tổ chức thường niên tại Việt Nam như Hội chợ thương mại quốc tế VietnamExpo, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Vietnam Foodexpo…

Ngoài mặt hàng gạo, đề nghị phía Bờ Biển Ngà xem xét tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Bờ Biển Ngà có nhu cầu lớn mà Việt Nam có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị điện.

Bên cạnh đó, hai bên có thể nghiên cứu thúc đẩy hợp tác về các ngành công nghiệp như chế biến nông sản, thực phẩm, khai khoáng…; đề nghị phía Bờ Biển Ngà sớm phản hồi về dự thảo Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu mối phụ trách về Hiệp định thương mại song phương với Việt Nam để hai bên tiếp tục trao đổi.

Viet Nam co the cung ung cho Bo Bien Nga cac mat hang can nhap khau hinh anh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo cho biết Chính phủ Bờ Biển Ngà luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại.

Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà thời gian qua với kim ngạch hai chiều trong 5 năm qua được duy trì bình quân trên 1 tỷ USD/năm. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương Việt Nam trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo cho biết Bờ Biển Ngà hiện là thị trường trung chuyển quan trọng, hàng hóa của các nước xuất khẩu vào Bờ Biển Ngà có thể tái xuất sang nhiều nước tại khu vực Tây Phi như Burkina Faso, Mali, Niger...

Điều này cũng tạo thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, dệt may, da giày, hàng gia dụng... có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường thành viên của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS).

Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan của Bờ Biển Ngà phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam để cùng thúc đẩy triển khai các đề xuất, kiến nghị mà phía Việt Nam đã nêu./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)